Làm giàu ở nông thôn: Trồng 700 cây dừa 2 tuổi, thu 15 triệu/tháng
Với thu nhập từ năm 2012 - 2016 đạt 2,7 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, ông Võ Hoàng Khải, nông dân xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nổi tiếng khắp vùng là một nông dân giỏi, làm giàu từ mô hình đa canh...
Tâm sự với chúng tôi, ông Khải kể: Vốn sinh ra từ gia đình nghèo khó, khi lập gia đình và ra ra riêng, ông được cha mẹ cho 3 công đất để trồng mía và chăn nuôi. Đây là vùng đất bãi bồi, dân ở đây chủ yếu trồng mía, nên thu nhập không được bao nhiêu. Lúc này, ông phải đi làm thuê thêm để có thêm tiền nuôi gia đình.
Mạnh dạn chuyển đổi
Nhờ tính cần cù, chịu khó, sau nhiều năm tích lũy, đến năm 1983 ông Khải thấy đây là vùng sản xuất mía lớn nên mạnh dạn hùn vốn với 3 anh em nữa để làm lò đường thủ công. Đến năm 1990 thì ông Khải quyết định vay tiền tự làm 1 lò đường cá nhân.
Từ năm 2016 đến nay, ông Khải thu lãi từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hơn nửa tỷ đồng. Ảnh Chúc Ly.
“Lò đường của tôi hoạt động đến năm 2001 thì tôi nghỉ hẳn vì lúc này máy móc đã cũ kỹ, công nghệ làm đường ngày càng phát triển, những lò đường thủ công không còn phù hợp. Cũng trong lúc này tôi dùng tiền tích lũy để mua thêm đất đai. Trong những năm này dù làm nhiều thứ nhưng tôi vẫn giữ cây mía” - ông Khải bộc bạch.
Sau khi dừng làm lò đường, ông Khải mua ghe tải để chở mía mướn và thu gom mía giao cho nhà máy. Công việc này phát triển rất tốt và đem lại thu nhập khá, tuy nhiên, đến năm 2003, nhận thấy cứ đi ghe như vậy đất đai ở nhà không ai chăm sóc, hiệu quả chưa cao, nên ông Khải quyết định dừng đi ghe tải tập trung chăm lo cho hơn 8ha đất trồng mía.
Theo ông Khải, ông tập trung sản xuất đến năm 2005, lúc này lộ giao thông phát triển, từ đó, ông xây dựng trạm xăng, đến năm 2006 thì đưa vào hoạt động, Lúc này ông vừa mua bán xăng dầu và trồng mía.
Mãi đến năm năm 2012, sau nhiều trăn trở, ông Khải đã quyết định chuyển đổi 2ha đất sang trồng dừa. “Những năm sau này, đất chỗ tôi thoát nước không được tốt nên trồng mía hiệu quả không cao. Khi mới chuyển một phần diện tích sang trồng dừa tôi vẫn xen cây mía vào, tới khoảng 2 năm khi cây dừa phất lên thì tôi mới bỏ mía” - ông Khải cho hay. Đến đầu 2014, ông Khải lại quyết định phá bỏ 2ha mía để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Với 700 gốc dừa lùn, bình quân mỗi tháng gia đình ông Khải thu 15 triệu đồng tiền bán trái. Ảnh: Chúc Ly.
Ông Khải cho biết: "Khi chuyển phần diện tích sang nuôi tôm thì tôi đi học hỏi kinh nghiệm từ một số anh em ở gần. Tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi quyết định đầu tư hẳn 4 ao từ những vụ đầu, vụ đầu tiên không hiệu quả cao nhưng may mắn không lỗ, đến năm 2015 có lãi, từ năm 2016 đến nay thì lãi hơn 500 triệu đồng".
Không để đất bỏ hoang
Hiện diện tích nuôi tôm của gia đình ông Khải là 2ha với 4 ao nuôi, đồng thời có hơn 3ha đất trồng mía, 2ha đất trồng dừa, các khoảng đất trống còn lại thì ông xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tăng thu nhập.
“Trong sản xuất, tôi không ngại chuyển đổi cũng không ngại khó. Ở những lĩnh vực, mô hình mới thì mình đi học để làm dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mình là nông dân nên quyết không để đất trống, càng không cho phép mình lười biếng” - ông Khải chia sẻ.
Ông Khải cho hay: “Đối với mô hình trồng dừa nếu đầu tư hoàn thiện thì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hiện với 700 gốc dừa đã bắt đầu cho trái tốt, mỗi tháng trung bình tôi thu về khoảng 15 triệu đồng, trong khoảng 2 năm nữa, sản lượng trái tăng thêm thì ít nhất thu từ 30 triệu đồng/tháng”.
Ông Khải (trái) giới thiệu về mô hình đa canh với ao nuôi tôm, khu trồng dừa, ruộng trồng mía...Ảnh: Chúc Ly.
“Còn đối với cây mía, sau nhiều năm canh tác đã không còn hiệu quả nên tôi chuyển sang trồng giống mía mới, có trữ đường cao hơn và đầu tư lâu dài là bán giống. Trong tương lai tôi mong muốn mở rộng thêm mô hình nuôi tôm với hướng sản xuất khép kín, có lót bạt để nâng hiệu quả” - ông Khải tính toán.
Với mô hình sản xuất, kinh doanh trên, hàng năm gia đình ông giúp đỡ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nhiều nông dân và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân gia đình, trong thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng Nông thôn mới, ông còn vận động bà con nông dân xung quanh xây được 1 cây cầu bê tông, trị giá hơn 10,3 triệu đồng. Đồng thời, ông đã hiến 1.200m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, mở lộ tẻ về khu dân cư trị giá hơn 110 triệu đồng.
Theo Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, với hiệu quả từ mô hình sản xuất, kinh doanh trên 12 năm liền ông đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 3 Bằng khen của UBND tỉnh; 1 Bằng khen của Thủ Tướng chính phủ cùng với nhiều giấy khen của UBND huyện, Hội Nông dân huyện, UBND xã. Đặc biệt, ông Khải vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Lao Động Hạng III năm 2012. |