Làm giàu ở nông thôn: Trang trại "Tuyệt tình cốc" bạc tỷ của ông Chao

Sự kiện: Kinh Doanh

Ai dù cố tình hay vô ý mà "lạc trôi" vào trang trại của ông Mông Sĩ Chao đều thốt lên rằng phong cảnh nơi đây phảng phất không gian của một "Tuyệt tình cốc". Trang trại có hồ nuôi cá lọt thỏm giữa bạt ngàn cây rừng, không khí trong lành, còn ông chủ U70 thảnh thơi bắt cá, ngắm cây rừng như là 1 tiên ông.

Dù đã ở tuổi 70 nhưng ông Mông Sỉ Chao ở thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn vẫn hăng say lao động, làm giàu. Sau nhiều khó khăn, lão nông họ Mông đã làm giàu từ 2 bàn tay trắng, gây dựng trang trại đẹp như tranh mà dân phượt ví như "Tuyệt tình cốc" với tổng thu nhập mỗi năm hơn 1.4 tỷ đồng. 

Nghèo chính là động lực

Về Cao Lộc Lạng Sơn, khi nhắc đến cái tên Mông Sỉ Chao người dân nơi đây không ai là không biết. Hình ảnh một cụ ông tóc bạc, khi cười những nếp nhăn hằn lên cho thấy dấu tích của thời gian hàng ngày vẫn nào cuốc, nào dao thoăn thoắt leo đồi, leo lên “thăm” những vạt rừng xanh mướt của gia đình. Cứ tầm chiều chiều là thấy ông vác cuốc cầm dao ra vườn, lượn ra khu ao thăm đàn cá. Hình ảnh đó đã quá quen thuộc với nhiều người dân sống tại vùng quê này.

Làm giàu ở nông thôn: Trang trại "Tuyệt tình cốc" bạc tỷ của ông Chao - 1

Nụ cười của lão nông U70 Mông Sĩ Chao bên ao cá với thành quả của những ngày lao động.

Tâm sự với chúng tôi, ông Mông Sĩ Chao chia sẻ: “Ngày xưa gia đình tôi vất vả lắm, làm thế nào cũng không đủ ăn. Chính cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đã thôi thúc tôi phải có ý chí làm kinh tế...".

Làm giàu ở nông thôn: Trang trại "Tuyệt tình cốc" bạc tỷ của ông Chao - 2

Mỗi ngày đều đặn ông Chao đều thăm khu ao nuôi cá, thăm khu rừng xanh bao quanh.

Ông Mông Sĩ Chao kể, ban đầu diện tích ao nuôi cá và rừng của gia đình nhỏ hẹp, cây cối chưa có nhiều, dần dần khi thấy lợi ích kinh tế mà ao cá, khu rừng mang lại ông mới dần mở rộng diện tích, trồng thêm cây. Đến nay gia đình ông Mông Sĩ Chao đã có 1 hệ thống ao nuôi cá trong rừng với tổng cộng hơn 6.000m2 mặt ao nuôi cá kết hợp thả vịt cho thu nhập hơn 300 triệu/năm. Quanh các khu ao nuôi cá, ông Chao xây dựng hơn 5.600m2 chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái cho thu nhập gần 50 triệu đồng mỗi năm.

Đáng kể nhất và góp phần tạo nên cảnh quan "Tuyệt tình cốc" cho trang trại phải kể tới9 ha diện tích rừng. Trên các diện tích này, ông Chao trồng cây lâm nghiệp, trong đó chủ yếu trồng các loại cây đinh lát, thông, bạch đàn cho tới những cây làm cảnh, chơi tết như bích đào, hồng đào. Xen kẽ những khu trồng cây lâm nghiệp là những vườn cây ăn quả như hồng đặc sản xứ Lạng, ổi, xoài... "Với việc khai thác cây lâm nghiệp bán dần theo năm và bán hoa trái trong trang trại, mỗi năm gia đình tôi cũng thu về gần 1 tỷ đồng...Khách hàng lẻ hay các nhà buôn khi mua vật nuôi, hoa quả của nhà tôi đều tỏ ra thích thú bởi trang trại nằm trong rừng...", lão nông Mông Sĩ Chao chia sẻ.

Già rồi... nhưng vẫn “tham”

Mô hình chăn nuôi trồng trọt, sản xuất tổng hợp của gia đình ông Mông Sĩ Chao là một điển hình ở địa phương. Ông Mông Sĩ Chao cho biết, sắp tới, ông tính đến phương án thuê thêm đất của các hộ dân xung quanh để mở rộng quy mô sản xuất và kết hợp làm thêm một số mô hình sản xuất khác như mô hình trồng cây hồng, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi thêm bò sinh sản, tôn tạo và làm đẹp thêm cho cảnh quan trang trại "Tuyệt tình cốc" "Biết là già rồi, sức khỏe kém dần nhưng đầu vẫn nghĩ ra nhiều thứ để làm lắm. Lao động vui vẻ, khỏe khoắn nên chịu tiếng "già rồi còn tham” vậy", ông Mông Sĩ Chao cười vui vẻ.

Làm giàu ở nông thôn: Trang trại "Tuyệt tình cốc" bạc tỷ của ông Chao - 3

Dù đã ở tuổi 70 nhưng ngày nào ông  Mông Sĩ Chao cũng lấy việc lao động trong trang trại "Tuyệt tình cốc" làm niềm vui sống của tuổi già.

Hiện, trang trại "Tuyệt tình cốc" của gia đình ông Mông Sĩ Chao đang tạo việc làm ổn định và thu nhập cho hơn 35 lao động trên địa bàn, Ông còn nhiệt tình giúp đỡ 12 hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn trong vùng về kiến thức khoa học kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất.

Ông Hoàng Văn Tinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Lộc cho biết: "Bác Mông Sỉ Chao là một người mẫu mực, làm kinh tế giỏi, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong vùng về chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả tạo điều kiện cho bà con cùng nhau phát triển kinh tế. Hội Nông dân huyện cũng thường xuyên đã mở các lớp tập huấn, tổ chức cho các hội viên đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả như của nhà bác Chao để bà con học tập, làm theo...".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Liễu Chang (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN