Làm giàu ở nông thôn: "Hot boy" làm vườn rau 200 triệu xanh đến "phát hờn"
Tu nghiệp ở Israel trở về, "hot boy" bản Mông Giàng A Dạy đã bắt tay vào việc ươm giống, trồng rau xanh áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Nhìn triền đồi xanh mướt rau bắp cải của Giàng A Dạy mỗi năm thu 200 triệu đồng khiến khối người "phát hờn" phục tài chàng trai người Mông ở nơi hẻo lánh, vùng cao Sơn La...
Giàng A Dạy sinh ra và lớn lên ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, (Sơn La). Khi nhắc đến tên Giàng A Dạy sinh năm 1993, dân tộc Mông hầu như ai ở trong vùng là đều biết. Dạy đã mạnh dạn đưa công nghệ tưới nước nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống, trồng rau cải bắp hiện đại bằng công nghệ Israel về với bà con người Mông.
Mô hình của Dạy đã làm thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp của người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa nơi đây. Giàng A Dạy kể, năm 2011 anh thi đậu vào trường Đại học Tây Bắc. Trong quá trình học tập tại trường, Dạy luôn là sinh viên năng nổ, hoạt bát và có lực học khá và được kết nạp Đảng tại trường. Đến năm 2015, trường Đại học Tây Bắc có 2 suất đi tu nghiệp sinh tại Israel. Dạy may mắn được chọn 1 trong 2 người đi tu nghiệp.
Khi sang Israel, Dạy được làm việc trong một trang trại ươm cây giống của tập đoàn sản xuất rau giống lớn thứ 3 của Israel. Dạy tranh thủ thời gian học tập công nghệ tưới nước nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống hoa màu…với hy vọng khi về quê nhà sẽ áp dụng vào thực tế, để thay đổi được phương thức canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Toàn bộ diện tích trang trại rau, đã được Dạy lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ rọt bằng công nghệ Israel.
Trong quá trình học tập ở Israel, Dạy đã chủ động xin một mảnh vườn nhỏ ở nơi cư trú để thực hành sản xuất nông nghiệp, xử lý từ khâu làm đất, ươm hạt, trồng rau theo phương thức hữu cơ, áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt. Dạy chia sẻ: “Lúc đó mảnh vườn được dựng trên nền đất cát. Tôi dùng xơ dừa và chút đất còn sót lại trong các chậu cây giống đổ lên vườn thử nghiệm trồng cây theo công nghệ Israel. Mảnh vườn nhỏ đó giúp tôi hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học hay bất cứ loại thuốc kích thích tăng trưởng nào. Lúc đó những khó khăn tôi gặp phải đều được các chuyên gia Israel giải đáp và nó thực sự là những bài học quý giá xuất phát từ thực tế mà tôi tích lũy được...”.
Trang trại trồng rau bắp cải được Giàng A Dạy áp dụng kĩ thuật chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên phát triển rất tốt.
Sau gần 1 năm học, làm việc tại Israel, tháng 8.2016 Giàng A Dạy về nước với những hành trang kiến thức và khoản tiền tích góp được hơn 120 triệu đồng làm vốn thực hiện ước mơ của mình. Về bản, Dạy đã mở trang trại nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ Israel trên chính mảnh vườn của gia đình. Ngoài ra, Dạy còn vận động bà con dân bản góp đất, sản xuất những thực phẩm, rau xanh không sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu. Điều này đã giúp bà con tăng thêm thu nhập và vươn lên làm giầu trên quê hương.
Tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, nứa ở đồi sau nhà. Dạy nhờ anh em họ hàng đốn về làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa trong khu vườn ươm giống rau. Dạy bắt đầu ươm cây giống trên giá thể hữu cơ, khác hẳn với phương pháp truyền thống là gieo hạt xuống đất xong mới nhổ cây giống ra trồng lại ở vườn. "Phương pháp mới này, đã kiểm soát được ngày nảy mầm của hạt giống tốt hơn. Khi lấy cây giống ra khỏi giá không bị đứt rễ và tỷ lệ sống đạt 100%”, Giàng A Dạy chia sẻ.
Anh Giàng A Dạy đang theo dõi quá trình sinh trưởng của vườn rau tại trang trại
Vào mùa khô, con suối phục vụ cả bản cạn nước. Dạy đã bỏ gần 50 triệu đồng mua thêm 1 máy bơm và ống dẫn nước, kéo đường điện từ nhà ra gần hồ tù nằm sâu trong vách núi cách nhà hơn 2km, lắp đặt máy bơm dẫn nước tưới về khu vực canh tác vườn rau sau nhà. Dạy cũng cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 22 hộ ở bản có nhu cầu cần sử dụng nước sinh hoạt.
Anh Giàng A Dạy cho biết: “Thời gian tới tôi sẽ đào hố phủ bạt trên đồi sau nhà để tích trữ nước tưới tiêu vào mùa khô, vừa tiết kiệm điện, vừa giúp cho hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa đạt hiệu quả cao hơn. Nếu có vốn lớn hơn tôi sẽ thành lập hợp tác xã vào thời gian tới. Để liên kết bà con ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt vào sản xuất rau vụ đông, tìm thị trường tiêu thụ nông sản giúp bà con bản Rừng Thông phát triển kinh tế”.
Nhiều người dân sinh sống quanh vùng đã đến tận trang trại của Giàng A Dạy để học tập mô hình trồng rau sạch có áp dụng công nghệ Israel.
Tại khu trang trại của gia đình, Giàng A Dạy có đất tương đối bằng phẳng rộng hơn 4.000 m2 được bố trí trồng rau xanh là chủ yếu. Còn 1,5 ha diện tích đất đồi dốc được Dạy trồng mía tăng thêm thu nhập thêm cho gia đình. Do ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương nên trung bình 1 năm Dạy trồng và thu được 4 vụ rau xanh , trong đó rau cải các loại chiếm phần lớn. Riêng doanh thu từ 4.000m2 rau xanh đã mang về cho Giàng A Dạy khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Mường Bon, huyện Mai Sơn cho biết: “Đã từ bao đời nay, bà con dân tộc Mông ở bản Rừng Thông sinh sống bằng nghề nông nghiệp là chủ yếu. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới nước nhỏ giọt, làm nhà lưới vào sản xuất nông nghiệp trên nương đồi của Giàng A Dạy là mô hình khởi nghiệp mới, táo bạo. Mô hình của Dạy đã mang lại hiệu quả về kinh tế cao và là hướng đi mới cho bà con nhân dân học tập noi theo. Đây cũng là mô hình để bà con tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất và chất lượng cho nông sản để bà con vươn lên làm giầu trên chính quê hương của mình”.