Lạ mà hay: Gạt lục bình ra là có cả ngàn con rắn
Với cách tạo ao nuôi gần giống như trong tự nhiên để nuôi rắn, hiện lão nông Đoàn Văn Lực (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đang sở hữu đàn rắn “khủng” với số lượng 1.000 con. "Đám rắn của tôi nằm dưới ao, gạt lục bình ra là lúc nhúc rắn...", ông Lực nói.
Bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi rắn từ khoảng 2 năm nay, ông Lực cho rằng mô hình này không khó, tuy nhiên muốn hiệu quả thì đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn lớn một chút để đầu tư. Hiện với 2 ao nuôi có diện tích khoảng 1.500m2 của mình, ông Lực đã tiêu tốn tầm 100 triệu đồng tiền vốn.
Clip: Lạ mà hay, gạt lục bình ra là có cả ngàn con rắn.
Ông Lực cho hay: “Tôi vốn rất mê mô hình nuôi rắn, nhưng trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Sau khi khai thác số tràm thâm canh của gia đình, tôi bắt tay vào thực hiện ngay mô hình”.
Ông Lực ấp ủ ước mơ xây dựng trang trại rắn (Ảnh: Chúc Ly)
Được biết, ban đầu ông nuôi rắn trong mành lưới nhưng nhận thấy không hiệu quả nên đã mày mò đào ao để thả nuôi. Sau đó ông thả thêm lục bình, bồn bồn vào ao để tạo môi trường sống cho rắn, cuối cùng ông dùng các tấm fipro xi-măng bao xung quanh và cải tạo nước ao bằng vôi bột.
Theo ông Lực, nuôi ở môi trường tự nhiên rắn sẽ ít bị bệnh hơn, lại dễ chăm sóc. Hơn nữa, ông còn có thể tận dụng diện tích ao nuôi để thả xen canh nhiều loài thủy sản khác như: cá đồng, rùa, cần đước, le le…để tăng nguồn thu.
“Khi đã chuẩn bị mọi thứ xong, tôi bắt đầu mua giống về thả nuôi, gồm rắn ri cá và ri tượng. Tôi chọn mua giống rất kỹ, tuyệt đối không thả nuôi những con rắn bị mắc câu hoặc bắt bằng xung điện, vì như vậy thì rắn không lớn hoặc dễ bị chết. Đặc tính của rắn là đẻ vào mùa nước (từ khoảng tháng 5-9 âm lịch), khoảng thời gian này mình phải quan sát kỹ đàn rắn và tạo nơi cho rắn con trú ngụ” - ông Lực bộc bạch.
Số rắn ri tượng con để gây nuôi ở ao sau (Ảnh: Chúc Ly)
Đến nay trang trại rắn của ông Lực được đầu tư hoàn thiện với tổng số lượng gần 1.000 con, trong đó rắn bố mẹ có con đạt trọng lượng vài kg, số rắn con ở mùa trước hiện cũng đạt trọng lượng 0,5kg/con (Ảnh: Chúc Ly)
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lực cho biết: Hiện nhiều con rắn bố mẹ đã có thể bán ra thị trường, nhưng tôi không vội bán vì còn đang tiếp tục gây đàn để nhân nuôi thêm. Số lượng rắn con mới đẻ mùa này, tôi vớt được khoảng 500 con.
Hiện nay, đối với số rắn con đã được đưa sang nuôi ở ao khác, ông Lực thả kèm cá trê, cá rô phi để chúng sinh sản, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho rắn. Còn đối với đàn rắn bố mẹ, mỗi tuần ông Lực cho rắn ăn một lần từ nguồn thức ăn tự nhiên như cá rô phi, nhái...
Trang trại rắn "khủng" của ông Lực (Ảnh: Chúc Ly)
“Tôi ấp ủ mục tiêu cung cấp giống rắn cho bà con khắp nơi trong vùng và có được trang trại rắn hoàn thiện để có nguồn rắn thịt ổn định. Đồng thời trong quá trình sản xuất tôi luôn theo dõi thị trường và cho rằng chỉ nên xuất bán rắn ở mùa khô, khi giá rắn ổn định và cao hơn mùa nước nổi...” - ông Lực chia sẻ.