Không phải việc gì nhà nước cũng hỗ trợ

Hội nhập là sự nghiệp toàn dân, hãy gạt bỏ suy nghĩ nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp

Đó là thông điệp mà Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chuyển tải đến các doanh nghiệp (DN) tại hội thảo “Đối thoại TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) - Cơ hội nào cho DN tại Việt Nam” do Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM (VCCI - HCM) cùng Công ty KPMG tổ chức sáng 17-3.

Lơ mơ trước cửa TPP

Theo VCCI - HCM, kết quả khảo sát của cơ quan này cho thấy tỉ lệ DN Việt Nam ủng hộ gia nhập TPP rất cao (66% so với 23% của DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) nhưng sự chuẩn bị của họ lại rất thấp, chỉ 9%. Trong khi đó, 14% DN FDI quan tâm, đóng góp ý kiến về TPP. Họ rất tích cực chuẩn bị để chủ động khai thác cơ hội TPP mang lại.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc HoSE, cho biết trên thị trường chứng khoán, trong năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mở thêm 400 tài khoản, trong khi 15 năm qua chỉ khoảng 2.000 tài khoản. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Không phải việc gì nhà nước cũng hỗ trợ - 1

Đại diện Công ty Gỗ Đức Thành nêu ý kiến tại buổi đối thoại Ảnh: Hoàng Triều

Ông Johan Nyvene, Giám đốc điều hành Khối Tài chính Doanh nghiệp Công ty Chứng khoán HSC, cũng khẳng định nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến TPP và đã có vài làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu cơ hội. “Nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm, tiếp cận các DN trong nước về cơ hội đầu tư nhưng do chính sách của chúng ta không nhất quán đã tạo sự khó khăn trong việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài” - ông Johan Nyvene nhận định.

Nhiều DN cho rằng DN Việt Nam đa số quy mô nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính, thể chế chính sách. Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, 95% DN cao su - nhựa là DN nhỏ và vừa. “Cứ 10 DN thì có 4 DN biết lơ mơ về TPP, 6 DN còn lại không biết gì. Đó là tình trạng đáng buồn của DN Việt. DN FDI đã tốt nghiệp đại học, sang Việt Nam làm ăn trong khi DN Việt Nam mới là học sinh lớp 1, lớp 2 nên rất cần phụ huynh, nhà trường quan tâm hỗ trợ” - ông ví von.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, cho rằng 5 năm trở lại đây, chính sách giống như đang chạy theo quyền lợi của nhóm lợi ích, không tạo nên sự công bằng cho các DN. “Chúng tôi hiểu rõ không thể xin xỏ gì từ nhà nước mà cần phải đứng trên đôi chân của mình. Tuy nhiên, muốn DN mạnh, đòi hỏi sự kiến tạo của Chính phủ. Tham gia TPP có thể giảm được việc các nhóm lợi ích tham gia điều hành chính sách không?” - ông Đỗ Duy Thái đặt vấn đề.

Phải chấp nhận cạnh tranh

Chia sẻ với các DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam, cho biết khi nhiều DN hỏi ông làm thế nào tận dụng cơ hội TPP, ông đều trả lời thành thật rằng không biết. Bởi lẽ, phải biết được DN hoạt động lĩnh vực gì, năng lực ra sao, quản trị thế nào… mới trả lời được. Dù vậy, vẫn có nguyên tắc chung: Hội nhập không phải của riêng Chính phủ mà là sự nghiệp toàn dân, trong đó có DN. Phải gạt bỏ suy nghĩ nhà nước phải hỗ trợ DN trong mọi trường hợp.

“Các phòng thương mại Âu, Mỹ không bao giờ hỏi tôi sẽ hỗ trợ gì, tuyên truyền thế nào về TPP. Trong khi đó, các DN trong nước thường hỏi tài liệu tuyên truyền đâu, nhà nước sẽ làm gì để phổ biến, hỗ trợ DN hội nhập. Đó là sự khác biệt giữa DN trong nước và DN FDI” - Thứ trưởng Khánh so sánh.

Theo ông Khánh, những gì cần làm cho DN, Chính phủ đã làm rồi. Thủ tướng đã đưa ra thông điệp rõ ràng: Nỗ lực cải thiện thể chế quốc gia và chuyển dần sang mô hình nhà nước kiến tạo. Điều đó chứng tỏ tư duy đang có nhiều thay đổi. Cụ thể là thay đổi cách làm: công khai, minh bạch, hành xử khách quan, không phân biệt đối xử, đặc biệt là tăng cường tương tác với khu vực DN để lắng nghe và thay đổi. Vấn đề còn lại là DN phải tự tin bước vào thị trường, chấp nhận cạnh tranh một cách chủ động chứ không phải đi hỏi nhà nước làm gì để giúp DN cạnh tranh. Miếng bánh thị trường và công việc được chia cho từng người tham gia theo năng lực của họ. Muốn phát triển được, DN đừng chỉ chăm chăm vào giá mà hãy cạnh tranh bằng chất lượng, bằng chữ tín, chú ý đến quản trị hiện đại và khởi nghiệp theo hướng kết hợp công cụ marketing mới với cơ hội TPP mang lại.

Cơ hội không biến thành lợi ích ngay

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng về tổng thể, TPP mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ hội này đều được dựa trên những giả định. Thực tế, kinh tế Việt Nam có khởi sắc nhờ TPP hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố khác. Cụ thể, các cơ hội này dựa trên giả định nền kinh tế thế giới ổn định, có sự phát triển trong những năm tới. Nếu tương lai, thế giới tiếp tục biến động, châu Âu không giải quyết nợ công…, cơ hội sẽ thay đổi theo.

Bên cạnh đó, cơ hội không tự nó biến thành lợi ích mà tùy thuộc vào nỗ lực của DN, nỗ lực của Chính phủ nắm bắt, tạo điều kiện cho DN nắm bắt cơ hội đó không. Ngoài ra, cơ hội có thể phân chia không đồng đều, DN nào chuẩn bị tốt hơn sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn. Hiện khối DN FDI có sự chuẩn bị tốt hơn DN Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Nghi (Người lao động)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN