Không để nông dân “tự bơi”

Sự kiện: Kinh Doanh

Đó là cam kết của chính quyền và lãnh đạo các sở ban ngành chức năng TPHCM trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra vào ngày 6/7.

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Thuận băn khoăn: Ở Cần Giờ, nông dân làm ra hạt muối rất cực khổ nhưng tiêu thụ rất khó khăn. TPHCM có giải pháp gì để hạn chế điệp khúc “được mùa mất giá”? 

ĐB Đặng Thị Phương Ninh chất vấn: Khủng hoảng thừa heo (lợn) đang diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều hình ảnh đau lòng như người dân tự xẻ thịt bán dạo trên vỉa hè. Bao giờ mới giải cứu xong?

Không để nông dân “tự bơi” - 1

TPHCM “giải cứu” thịt heo cho người dân các tỉnh

Không chỉ là chuyện “giải cứu”

Theo ĐB Nguyễn Minh Nhựt, nông dân hầu hết nuôi trồng theo phong trào, không theo quy hoạch nên gặp rất nhiều rủi ro về đầu ra. Bên cạnh việc định hướng, kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp cần đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân, thay vì phải giải cứu hết sản phẩm này đến sản phẩm khác như chuối, thanh long, hành tím và bây giờ là thịt heo.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Phước Trung cho biết bà con sản xuất muối tại huyện Cần Giờ không có lãi. Thành phố phải hỗ trợ 540 đồng/kg. Sắp tới, TPHCM sẽ giảm diện tích sản xuất muối từ hơn 1.600 ha xuống còn 660 ha, chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Trung, khủng hoảng thịt heo đang diễn ra là do cả nước tăng đàn quá cao, từ 2,7 triệu con tăng lên 30 triệu con. Còn số lượng heo tại TPHCM chỉ chiếm gần 1% tổng đàn cả nước.

“Đàn heo của thành phố hiện nay có xu hướng tăng với 660 hộ chăn nuôi quy mô từ 100 con trở lên. Các tỉnh dư thừa đổ về, thành phố phải “giải cứu” bằng cách tổ chức thu mua phục vụ nhu cầu của người dân thành phố”, ông Trung nói.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, để đảm bảo đầu ra ổn định và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, thành phố sẽ lập hệ thống thu mua và trực tiếp ký kết với nông dân, giám sát quy trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, giảm phí trung gian để nâng giá thu mua cho nông dân.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Phương Đông cho biết TPHCM chỉ đáp ứng 20 -30% nhu cầu tiêu thụ rau củ quả, 15% thịt gia cầm, 10% thủy hải sản, còn lại là từ các tỉnh, thành trên cả nước. TPHCM đã tích cực hỗ trợ các địa phương cứu quả vải, thanh long, hành tím, chuối, thịt heo.

“Thịt heo rớt giá là do các địa phương chưa nắm bắt nhu cầu thị trường còn giá thịt ở TPHCM vừa qua vẫn ổn định do đa số nông dân đã ký kết với hệ thống thu mua. Chỉ những hộ chăn nuôi tự phát không ký kết mới gặp rủi ro về giá. Sắp tới TPHCM sẽ đánh giá lại thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm, điều kiện tiếp cận thị trường… để các địa phương có kế hoạch, định hướng sản xuất cho bà con nông dân, đồng thời quản lý được chất lượng sản phẩm”, ông Đông cho biết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thịnh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN