“Hô biến” nước giếng khoan thành nước tinh khiết

Không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… thế những mỗi ngày cơ sở sản xuất nước đóng bình ở phường Phú Lương, quận Hà Đông (Hà Nội) vẫn “tuồn” ra thị trường hàng trăm bình nước có nguồn gốc từ giếng khoan.

“Hô biến” nước giếng khoan thành nước tinh khiết - 1

Nước giếng khoan sau khi lọc thô sơ được chủ cơ sở dùng để bơm vào bình nước tinh khiết. Ảnh: C.T

Sản xuất nước tinh khiết từ… giếng khoan

Nằm sâu trong một ngách nhỏ thuộc ngõ 1, tổ 1, phường Phú Lương, quận Hà Đông (Hà Nội), cơ sở sản xuất bình nước tinh khiết dán nhãn hiệu “Vilatas” luôn tấp nập những chuyến xe máy vận chuyển nước đóng bình loại 20 lít. Theo phản ánh của người dân địa phương, cơ sở này đã hoạt động hơn 1 năm nay và cung ứng ra thị trường số lượng lớn sản phẩm nước đóng bình không đảm bảo. Nằm ngay sau lưng của cơ sở này là kênh nước thải sinh hoạt rất ô nhiễm: Trời nắng, mặt nước luôn có màu vàng đục cùng với mùi hôi thối.

Trong vai là một chủ quán tạp hóa muốn đặt mua số lượng lớn bình nước đóng bình để bán, chúng tôi dễ dàng tiếp cận bên trong cơ sở này. Theo quan sát, đây là một căn hộ lợp mái pro-ximang, tổng diện tích khoảng gần 60m2 được chia làm 4 ngăn. Phía ngoài cùng giáp với mặt ngõ là khu vực đặt 2 chiếc bồn nước loại 1.200 lít dựng đứng cùng với một vài chiếc bình khí đặt song song với mép tường và một chiếc máy bơm hút nước. Cạnh đó là la liệt các bình nước tinh khiết đã dán nhãn mác để chuẩn bị cho nhân viên đi giao hàng đến các đại lý, cửa hàng tạp hóa bán buôn, bán lẻ.

Kế tiếp là gian phòng ngủ rộng chừng 12m2 của vợ chồng chủ cơ sở này. Phía sau chính là gian chứa hàng trăm chiếc vỏ bình nước đã qua sử dụng có dấu hiệu cáu bẩn được vứt bừa bãi, chồng chất lên nhau. Phía góc là chiếc bể chứa nước lọc từ nguồn nước giếng khoan đã phủ một màu vàng khè, hôi tanh bám trên mép tường. Cùng với đó là hệ thống lắng lọc thủ công bằng các bình inox nhỏ được đấu nối bằng các đường ống nước loại đường kính 2,2cm.

Theo quan sát của PV, mặt nền tuy được lát đá hoa nhưng luôn trong tình trạng ẩm ướt, trơn trượt. Bên trong cùng là khu bếp nấu ăn và một căn phòng vệ sinh chỉ rộng chừng 12m2. Điều khiến chúng tôi giật mình nhất là trong phòng vệ sinh chật chội, hôi hám ẩm mốc đó lại chứa đựng hàng chục chiếc vỏ bình đựng nước loại 20 lít cùng với 2 bao tải chứa nắp bình đã qua sử dụng.

Khi chúng tôi hỏi về việc dùng nước giếng khoan để đóng bình nước có đảm bảo an toàn, người thanh niên khoảng 30 tuổi – chủ cơ sở nói trên thẳng thắn: “Đảm bảo chứ. Không riêng cơ sở chúng tôi mà nhiều cơ sở khác đều dùng nước giếng khoan để sản xuất nước đóng bình tinh khiết (?)”.

“Ấn tượng” hơn, khi những chiếc vỏ bình từ các đại lý, quán tạp hóa trả về được nhân viên của cơ sở này lấy nước giếng khoan sau đó lọc qua hệ thống thô sơ rồi bơm thẳng vào bình. Công đoạn tiếp theo là dán nhãn mác và đem đi bán.

Chủ cơ sở tự chế tên nhãn hiệu “Vilatas”?

Theo lời của người chủ cơ sở chuyên sản xuất bình nước tinh khiết nói trên, mỗi ngày họ tiêu thụ ra thị trường khoảng 200 bình nước loại 20 lít. Vào đợt cao điểm nắng nóng, do nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao nên số lượng cung ứng cũng nhiều hơn. Hỏi về giá cả, chủ cơ sở cho biết: “Nếu các anh đặt mua thường xuyên với số lượng lớn thì chúng tôi cho nhân viên giao bình nước tận nơi với giá 7.000 – 8.000 đồng/bình. Sau đó, anh bán cho người dân với giá 15.000 đồng/bình là lãi to rồi”.

Qua quan sát cho thấy, trên vỏ bình nước của cơ sở này được gắn nhãn hiệu “Vilatas”. Các thông số cơ bản như địa chỉ, thành phần lý hóa và hạn dùng đều có. Thậm chí, có cả phần ghi rõ đã được cấp phép kiểm định của các cơ quan chức năng(?).

Khảo sát từ người dân địa phương, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. “Họ dùng nước giếng khoan đóng bình rồi tự chế ra tên một nhãn hiệu nước tinh khiết để bán. Hàng ngày, đội vận chuyển chở từ 9-11 bình nước/lần trên chiếc xe máy chuyên dụng để mang đến các đại lý quanh vùng. Người dân chúng tôi biết chất lượng nước không đảm bảo nên chẳng ai dám mua dùng cả”, ông H, một cán bộ hưu trí tổ 1, phường Phú Lương cho hay.

Nói về điều này, chủ cơ sở nước cho biết, nhãn hiệu “Vilatas” là do chủ trước làm. “Tôi mới tiếp nhận cơ sở này được hai tháng nay. Tên này lạ do chúng tôi chưa đăng ký nhãn hiệu độc quyền”, chủ cơ sở mới nói.

Trước những lo ngại về chất lượng nước đóng bình không đảm bảo chất lượng, Báo GĐ&XH đã thông tin để Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 26 (quận Hà Đông, Hà Nội) kiểm tra đột xuất cơ sở này. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 24/5), chủ cơ sở này thừa nhận đã dùng nước giếng khoan để sản xuất bình nước tinh khiết. Về giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chủ cơ sở cho biết “đang trong thời gian chờ cấp phép”.

Ông Bùi Quang Vũ, Đội phó Đội QLTT số 26 cho hay: “Trước đây cơ sở sản xuất nước đóng bình này thuộc sở hữu của chủ khác và có đầy đủ giấy tờ. Khoảng mấy tháng nay, chủ mới tiếp quản nhưng chưa hoàn tất thủ tục về kinh doanh theo quy định. Ngoài ra, các bước về kiểm nghiệm mẫu nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, họ cũng chưa thực hiện”.

“Sau khi kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất nước tinh khiết trong địa bàn, chúng tôi đã xử phạt hành chính cơ sở sản xuất nước đóng bình nói trên vì không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP và không công bố chất lượng sản phẩm, với số tiền 17 triệu đồng. Hiện chúng tôi đã tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở này đến khi đủ các giấy tờ liên quan”, ông Vũ cho hay.

Đánh lừa người tiêu dùng bằng “mỹ từ”

“Nói thì có vẻ mỹ miều, kiểu như “dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ nước ngoài” nhưng việc làm nước đóng bình hiện nay cực kỳ đơn giản. Trong giới “làm nước”, nhiều cơ sở dựa trên kiến thức mơ hồ của người dùng để lập lờ đánh tráo khái niệm giữa nước khoáng và nước tinh khiết, nhằm đẩy cao giá trị sản phẩm. Thậm chí, nhiều cơ sở dùng nước giếng khoan qua xử lý rồi gắn mác nước tinh khiết sau đó thêm thông điệp cho sản phẩm của mình là “nguồn nước thiên nhiên” để đánh lừa người tiêu dùng”, anh Nguyễn Văn Hải, người từng có thâm niên kinh doanh ở lĩnh vực sản xuất nước đóng bình tiết lộ.

Ngang nhiên hoạt động dù đã bị đình chỉ

Điều đáng nói, sau một tuần lực lượng Quản lý thị trường số 26 (quận Hà Đông, Hà Nội) kiểm tra đột xuất và xử phạt cơ sở sản xuất nước đóng bình nêu trong bài, ngày 2/6, theo quan sát của PV Báo GĐ&XH, cơ sở này vẫn đang hoạt động(?!). Trả lời PV, chủ cơ sở nói: “Hiện nay chúng tôi đã xin được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP và kiểm định chất lượng nước thì phải chờ thời gian. Công việc thì chúng tôi vẫn phải làm chứ bỏ sao được”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN