Hãy trả lại tiền và xin lỗi người dân
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 18/3, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng, sòng phẳng nhất là hãy trả lại tiền và xin lỗi người dân về số tiền thu sai nói trên.
Nếu cho phép DN được hoàn thuế từ chênh lệch áp thuế nhập khẩu xăng dầu là sai luật. Ảnh: Như Ý.
Ông Thành cho biết, trong bối cảnh đất nước tham gia sân chơi hội nhập thì khi đã cam kết là phải thực hiện. Còn không tuân thủ cam kết quốc tế thì lỗi là quá rõ và điều này là vi phạm luật ở phương diện quốc gia.
Về số tiền chênh lệch thuế nhập khẩu ước tính hơn 400 tỷ đồng/tháng mà người tiêu dùng bị “móc túi” do lỗi điều hành của liên bộ, theo ông Thành, đã là cơ chế thị trường thì cần sự sòng phẳng từ cơ quan quản lý trong lúc này. Hành động công bằng nhất với người tiêu dùng lúc này chính là cơ quan quản lý phải thực hiện việc trả lại tiền cho người tiêu dùng đã phải mua xăng dầu với giá cao hơn do bị áp sai thuế nhập khẩu.
Có hai cách để trả lại tiền cho người dân. Thứ nhất, có thể đưa thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% trong một quãng thời gian nhất định tương ứng với số tiền hơn 400 tỷ đồng/tháng chênh lệch thuế mà người dân đã phải trả. Cách thứ hai: Có thể cho phép doanh nghiệp được hưởng quota (hạn ngạch nhập khẩu) với một số lượng nhất định xăng dầu không chịu thuế để bán với giá thấp hơn giá thị trường để bù đắp cho người tiêu dùng.
“Việc doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu được cơ quan quản lý hoàn thuế nhập khẩu xăng dầu khi chứng minh nguồn gốc xuất xứ nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc như vừa qua cũng là việc làm không đúng. Ở đây, người bị móc túi là người dân nên nếu sòng phẳng thì phải trả lại tiền chênh lệch thuế thu cao hơn quy định đó cho người dân chứ không được trả lại cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước có thể khoanh lại số tiền chênh lệch thuế nhập khẩu hơn 400 tỷ đồng/tháng đó và trả dần cho người dân bằng cách biện pháp như tôi vừa nói. Ngoài ra, cơ quan quản lý (cả Bộ Công Thương và Tài chính) phải đứng ra xin lỗi dân vì đã thu sai cam kết quốc tế”, ông Thành kiến nghị.
Giá xăng sẽ tăng?
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trung bình giá xăng dầu nhập khẩu từ Singapore trong 10 ngày liên tiếp, tính đến ngày 17/3, là 44,41 USD/thùng, dầu diesel ở mức 45,79 USD/thùng. Nếu tính đủ 15 ngày thì mức chênh lệch giá xăng nhập khẩu so với chu kỳ trước đó xấp xỉ 9 USD/thùng. Với mức chênh lệch này, giá bán lẻ trong nước đang thấp hơn khoảng 1.000 đồng/lít so với giá cơ sở và các doanh nghiệp cho hay hiện đang bị lỗ. “Tình trạng buôn lậu xăng dầu đang rất nghiêm trọng. Mỗi lít xăng dầu được nhập lậu trót lọt vào Việt Nam, do không phải đóng thuế, phí và các khoản khác, những kẻ buôn lậu có thể kiếm lợi nhuận lên tới 7.500 – 8.000 đồng/lít. Đây là sự thất thoát rất lớn đối với ngân sách”, vị này cho biết.
Trước khả năng điều chỉnh tăng giá xăng dầu có thể xảy ra vào hôm nay 19/3, một thành viên tổ điều hành giá xăng dầu bật mí, liên bộ đang tính tới việc tăng xả mạnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để mức giá bán lẻ tăng không quá cao.
Ước tính của một chuyên gia, với việc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn ước chừng hơn 4.000 tỷ đồng. Theo ông Thành, rất có thể liên bộ sẽ xả mạnh quỹ để giá xăng, dầu chỉ tăng 500-600 đồng/lít để tránh vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận khi cơ quan quản lý áp thuế nhập khẩu sai quy định.
Đợi Thủ tướng quyết phương án xử lý chênh lệch thuế xăng dầu Về việc xử lý phần lợi nhuận doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thu được (nhờ nhập khẩu với mức thuế thấp, bán ra với giá trên cơ sở mức thuế cao), trao đổi với PVTiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện bộ đã có phương án hỏa tốc trình Thủ tướng xem xét quyết định. “Tuy nhiên, do tính chất của văn bản nên cụ thể phương án xử lý phải đợi Thủ tướng quyết xong mới công bố được”, vị này nói. Lê Hữu Việt |