Hàng Việt "lột xác" để chinh phục người Mỹ
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã có sự chuyển dịch từ sản phẩm thô sang chế biến sâu.
Thời gian gần đây cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã có sự chuyển dịch ngoạn mục từ sản phẩm thô sang chế biến sâu, từ những mặt hàng có giá trị thấp sang nhóm hàng hóa có giá trị cao.
Vừa có tiếng vừa có miếng
Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho biết mấy năm nay dừa Việt Nam chủ yếu bán trái thô cho thị trường trong nước và Trung Quốc, giá trị thấp và bấp bênh. Với mục đích nâng giá trị của trái dừa, cuối năm ngoái, công ty đã đầu tư hơn 20 triệu USD xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp để xuất khẩu sang hai thị trường tiềm năng là Mỹ và EU.
Ông Đức cho hay với công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động, khép kín và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, sản phẩm từ trái dừa được đóng trong hộp giấy thân thiện với môi trường. “Ngoài ra, nhờ sử dụng công nghệ tiệt trùng UHT trực tiếp nên giữ được mùi vị sản phẩm tốt hơn, giống với tự nhiên mà không cần phải thêm bất kỳ chất bảo quản nào. Khi đi vào hoạt động, nhà máy mang lại giá trị tăng cao cho cây dừa, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm từ dừa ở Bến Tre” - ông Đức nói.
Còn ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, cho hay đã xác định mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ từ lâu, nhất là thời gian gần đây thị trường Trung Quốc dù vẫn đang tiêu thụ tốt nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
“Mấy năm nay, năm nào chúng tôi cũng tham gia khảo sát, tham quan hoặc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ ở Mỹ. Hiện công ty đã bán các sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ, chủ yếu phục vụ cộng đồng người Việt tại nước này. Xuất khẩu sản phẩm chế biến sang Mỹ không chỉ có tiếng, xây dựng được thương hiệu mà còn có miếng vì thu được giá trị cao” - ông Viên chia sẻ.
Hàng Việt xuất sang Mỹ ngày càng tăng cao. Trong ảnh: Sơ chế, đóng hộp thanh long để xuất sang Mỹ. Ảnh: QH
Cũng theo ông Viên, nhu cầu về trái cây, rau, củ quả tại thị trường Mỹ là rất lớn nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Công ty đã áp dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng tương đương với các đối thủ tại thị trường Mỹ như Thái Lan. Đơn cử với công nghệ sấy lạnh, sản phẩm giữ được nguyên màu sắc, mùi vị, hạn chế tối đa thất thoát dinh dưỡng.
Các doanh nghiệp (DN) thủy sản cũng không ngừng đa dạng hóa sản phẩm của mình để khai thác thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho biết hiện công ty có tới gần 40 sản phẩm chế biến từ cá tra và tôm như cá tra tẩm bột chiên, tẩm bột hấp, tẩm gia vị, tôm Nobashi… xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Với việc Thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn sẽ là cơ hội để DN Việt đẩy mạnh hàng hóa chất lượng sang thị trường này” - ông Đạo tự tin.
Mời Mỹ sang giám sát sản phẩm
Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Đáng chú ý, ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống, gần đây các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao như điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị mới… đang chiếm ưu thế tại Mỹ.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng DN Việt phải “lột xác” mạnh theo hướng tích cực để có thể trụ vững tại thị trường Mỹ vốn rất khó tính. Ông Nguyễn Phước Bửu Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex 2 (Đồng Tháp), cho rằng việc Mỹ yêu cầu các sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng nội địa đã buộc DN Việt phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi cách làm.
Ông Huy cho biết: “Công ty đã áp dụng chứng nhận an toàn BAP của Mỹ; mời các đơn vị từ Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ sang đánh giá vùng nuôi, con giống, thức ăn và nhà máy chế biến, kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối… Nhờ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khắt khe của Mỹ, Nhật nên sản phẩm được bạn hàng tin tưởng”.
Tương tự, để có nhiều đơn hàng xuất sang Mỹ, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trước tiên DN phải hiểu rõ về những đối thủ cạnh tranh quan trọng của mình. Theo thống kê, đối thủ chính của Việt Nam trong ngành hàng cà phê hiện là Indonesia và Ấn Độ. Hạt tiêu thì có Indonesia, Ấn Độ, Malaysia; thủy sản là Thái Lan, Philippines…
“Một trong những cách chào hàng tương đối hiệu quả là tham dự các cuộc hội chợ triển lãm được tổ chức tại Mỹ. Tuy nhiên, muốn các chuyến đi mang lại kết quả như mong đợi thì DN nên có sự phối hợp chặt chẽ với một công ty tại Mỹ để qua đó có thể gặp đúng khách hàng” - ông Nam mách nước.
Ngoài ra, nhiều DN cũng đúc kết, nếu muốn làm ăn lâu dài tại Mỹ thì phải đảm bảo giao hàng đúng hạn. Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng là một địa chỉ mà các DN nên phối hợp chặt chẽ để có thể được cung cấp kịp thời những thông tin mới về thị trường, tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Việt Nam dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), từ tỉ lệ khiêm tốn là chỉ chiếm 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, Việt Nam hiện đã vượt qua các đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. Riêng năm ngoái, xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ đạt 33,5 tỉ USD. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có một thị trường vượt qua mốc 30 tỉ USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ giảm về 0% sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho DN Việt. |