Hàng loạt nông dân Sơn La kêu cứu vì bí đỏ thối rữa do giá rớt thê thảm
Do trồng ngô không còn hiệu quả nên nhiều gia đình đã tự cùng nhau chuyển sang trồng bí đỏ, nhưng đến giờ thì lại lao đao vô cùng vì giá quá rẻ.
Hai ngày nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều chia sẻ về việc nông dân ở xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đang lao đao, kêu cứu vì quá nhiều bí đỏ đang tồn đọng.
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, đúng là đang có tình hình như trên tại địa phương trên.
Theo lời chia sẻ của một số người dân, họ chưa bao giờ thấy ở địa phương mình lại tồn nhiều bí đỏ như lúc này khiến nhiều gia đình lao đao nên rất hy vọng sẽ có người giúp đỡ, hỗ trợ bà con vớt vát được phần nào:
"1 năm mất mùa! Người nông dân tại Chiềng Sung - Mai Sơn vốn sống dựa vào nghề nông. Ngô thấp, giá ì ạch bao nhiêu năm nay... Khi bà con quyết định trồng bí theo vận động, vậy kết quả hôm nay lại là...
Chưa bao giờ tôi thấy nhiều bí đỏ như thế. Trên các thửa nương, các sườn đồi, bí nằm ngổn ngang phơi mưa, nắng đang mục thối dần. Dưới gầm sàn, trong kho, ngoài sân, trong hiên nhà… Đâu đâu cũng thấy bí đỏ, la liệt, chất chồng chất đống.
Bí đỏ bị bỏ chất đống ở khắp nơi vì khó bán. Ảnh: Thúy Hà
Doanh nghiệp không mua vì chê bí xấu, không đạt chất lượng, ép giá. Bí đẹp bán được 1.500 đồng/kg. Người dân không biết làm gì với bí, hái về lại thuê xe công nông xúc đem đi đổ. Lợn ăn không thể hết, bí cho không ai lấy, cũng không thể ăn nhiều thay cơm".
Sáng 1/8, PV Báo Gia đình & Xã hội trao đổi với ông Hoàng Văn Long (trưởng bản Cao Sơn – Chiềng Sung), được biết, theo định hướng chuyển đổi cây chồng ở địa phương thì nhiều người dân đã tự phát chuyển sang trồng bí đỏ (chủ yếu 2 giống bí đỏ bánh xe, bí cô tiên), dong riềng và nghệ.
"Bí có nhiều nhưng giờ đã bị hỏng khá nhiều. Năm nay rẻ, người ta ép giá không bán được nên hiệu quả kinh tế không có, nhiều người dân đã phải bỏ từ hai tháng nay rồi. Giờ đang gần cuối vụ, họ không bán được nên đành phải đem cho người ta nuôi cá, nuôi lợn, ở trên nương thì cũng không thu nữa mà để thối vì mang về cũng không bán được hoặc bán không có lãi.
Những hộ trồng nhiều thì giờ chỉ còn cách chấp nhận bán với giá rẻ bèo hoặc đem cho những ai có nhu cầu mua bí hỏng để nuôi lợn, cá. Ảnh: Thúy Hà
Năm ngoái còn được 7 - 8.000 đồng nhưng năm nay chỉ 1.500 - 2000 đồng/kg. Mỗi héc-ta lỗ một, hai chục triệu nên người ta không thu về nữa, đâm ra bị hỏng rồi.
Riêng bản tôi thì năm ngoái chỉ độ chục héc-ta nhưng năm nay phải gần trăm hộ trồng bí đỏ, cũng mấy chục héc-ta nhưng lại không bán được. Người mua thì ép giá và chọn lắm, 10 tấn bí đổ về thì họ chỉ chọn lấy 2 tấn thôi".
Nhiều hộ bỏ thu hoạch, bí hỏng nằm lăn lóc trên các thửa nương. Ảnh: Thúy Hà
Ông Long cũng cho biết, người dân tại địa phương này chủ yếu trồng ngô nhưng nhiều năm nay không hiệu quả nên họ đã theo định hướng chuyển đổi cây trồng, tự chuyển sang trồng bí đỏ, giống và nghệ.
Đặc biệt, ông cũng thông tin thêm: "Đông và nghệ cũng trồng rất nhiều, hiện chưa biết đầu ra như thế nào. Đang lo là cuối năm lại không tiêu thụ được thì nhiều người lại rơi vào cảnh vỡ nợ".
Đồng thời, thông tin với chúng tôi, ông Tòng Văn Sơn (Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung) chia sẻ: "Đất đai ở Chiềng Sung rất tốt và thuận lợi cho nhiều cây trồng.
Riêng về bí đỏ thì Cao Sơn là bản trồng nhiều nhất trong xã, diện tích trồng bí trong xã hiện nay khoảng 160 ha. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay gặp mưa nhiều và kéo dài nên nhiều quả bị hỏng, người dân không bán được".