Hà Nội, giá rau “đội” gấp hai
Dù những trận mưa bão đầu mùa không ảnh hưởng nhiều đến Hà Nội nhưng giá rau xanh và thủy, hải sản tươi sống… đã tăng chóng mặt, đội giá gấp hai bình thường. Giải thích việc tăng giá bất thường này các tiểu thương đều đổ lỗi do thời tiết.
Giá rau tăng như “ngựa chứng”
Ngày 4/8, đi chợ mua thực phẩm cho cả gia đình, chị Trịnh Thị Hòa, (phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) giật mình khi thanh toán tiền 3 bó rau muống được chủ hàng báo là 24.000 đồng. “Tôi không nghĩ giá rau lại tăng lên quá nhanh như vậy, cách đây ít ngày vẫn là 4.000 đồng/bó to hơn nhiều. Tôi vặn hỏi thì chủ hàng nói mưa, rau thối nhiều nên đắt, nhưng rau muống thì có ảnh hưởng nhiều khi trời mưa đâu, thậm chí nó còn nhanh tốt hơn”.
Anh Nguyễn Thế Vinh, chủ quán cơm bụi, trong một ngõ nhỏ đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy cũng than phiền: “Giá rau, thực phẩm bỗng nhiên tăng chóng mặt nhưng cửa hàng tôi không dám tăng giá theo. Bán hàng ăn đùng cái tăng giá khách hàng rất khó chấp nhận, thậm chí mất khách luôn nên khoảng tuần nay tôi ngậm ngùi bán hàng lấy công làm lãi”.
Giải thích việc tăng giá rau xanh, chị Hoàng Thị Yến, chủ cửa hàng rau tại chợ Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ: “Tôi đi lấy hàng cũng thấy ái ngại vì giá rau, củ quả đều tăng. Mấy đợt bão lũ vừa rồi gây sạt lở, các vườn rau bị cuốn trôi, dập nát, thối hỏng. Trong khi đó, việc vận chuyển rau, củ, quả từ các vùng Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Đà Lạt về thủ đô càng khó khăn.
Nhiều loại rau đang đội giá gấp đôi tại các chợ Hà Nội. ảnh: T.G
Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, hiện giá rau bắp cải là 15.000 đồng/kg; cải xanh 25.000 đồng/kg; cà chua: 30.000 đồng/kg; đậu đũa: 22.000 đồng/kg; bí xanh: 17.000 đồng/kg; cà rốt: 20.000 đồng/kg; mướp đắng từ 12.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; rau mồng tơi, rau dền, rau đay tăng gấp 2 lần, từ 4.000 - 5.000 đồng/bó lên 8.000 đồng/bó; rau muống 8.000- 10.000 đồng/bó; rau ngót 7.000 đồng/bó. Một số loại rau gia vị như tía tô, kinh giới tăng từ 2.000 đồng lên 4.000 đồng/bó; húng các loại cũng tăng từ 1.000- 2.000 đồng/bó lên 4.000 đồng/bó… Theo nhận định của một số tiểu thương thì giá rau xanh sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Đặc biệt, trong thời gian tới tiếp tục xảy mưa lũ tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận.
Thông tin chúng tôi nhận được từ ông Trần Văn Mây, Hợp tác xã sản xuất rau sạch xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng thừa nhận, rau đang trong tình trạng khan hiếm. “Do thời tiết không thuận lợi, rau phát triển chậm cộng với mưa nhiều khiến nhiều loại rau ăn lá bị dập úng, nông dân thất thu buộc phải tăng giá để bù lỗ. Giá rau xanh tại ruộng hiện cũng đã cao hơn nhiều so với trước. Trong khi đó, đa số diện tích đất trồng rau đã thu hoạch, việc tái vụ đang gặp khó khăn vì thời tiết không ủng hộ nên sẽ khan hiếm rau trong thời gian tới”, ông Mây cho biết.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá (Gia Lâm), nhiều nông dân cũng đang “khóc”vì các loại rau ăn lá bị dập hỏng rất nhiều như cải xanh, cải ngồng, cải ngọt, rau dền, rau gia vị… nên gần như không có để bán ra thị trường.
Thủy hải sản cùng vống giá
Nhiều người nội trợ thời gian gần đây cũng kêu trời vì giá thủy hải sản đã tăng lên đáng kể. Khảo sát thực tế tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, giá thủy hải sản đang có biến động theo chiều hướng tăng cao. Cụ thể, tôm sú loại 25 - 30 con/kg giá 360.000 đồng, tăng khoảng 40.000 đồng/kg; tôm chân trắng loại khoảng 40 con/kg giá 270.000 đồng/kg, tăng 30.000- 35.000 đồng/kg. Cùng với đó, các loại cá biển như cá nục, cá mối, cá bạc má cũng tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Các loại ốc biển, hàu có giá từ 120.000 tăng lên 150.000 đồng/kg.
Các loại cá nước ngọt cũng có mức tăng đáng kể, cá trôi tăng từ 50.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg; cá trắm, cá chép loại trên 3kg/con từ 70.000 đồng tăng lên 85.000 – 90.000 đồng/kg, tôm đồng loại to từ 200.000 – 220.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Hà, Khu đô thị Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, chia sẻ: “Do thu nhập có hạn nên tôi lên kế hoạch mỗi ngày đi mua đồ ăn cho cả gia đình trong khoảng 200.000- 250.000 đồng cho 5 người ăn. Nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, đi chợ về cứ như bị móc túi. Hôm nào tôi cũng bị lạm chi khoảng trên dưới 100.000 đồng. Giá rau, củ, quả tăng mà giá các loại thịt, thủy hải sản cũng vống giá. Kêu thì sợ cả nhà lo, còn không kêu thì tôi sợ lạm chi không biết lấy đâu bù”.
Trong khi tại các chợ rau củ biến động mạnh thì ở các hệ thống siêu thị như Intimex, Fivimart, Co.opmart, Big C… giá những mặt hàng này vẫn được bình ổn do các siêu thị luân phiên thực hiện chương trình khuyến mãi.
Bà Mai, phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân chia sẻ: “Nhà tôi gần BigC, ở đó lại hay giảm giá, khuyến mãi mặt hàng tươi sống nên tôi chọn đến siêu thị. Hàng nào trông còn tươi ngon mà có khuyến mãi với mức giá hợp lý là tôi chọn. Tôi thấy nhiều loại rau, củ, quả và hải, thủy sản ở đây có giá khá mềm. Có thể siêu thị đã làm hợp đồng mua sỉ theo quý theo tháng nên mới có giá hấp dẫn như vậy cho người tiêu dùng”.
Phân tích về tình trạng rau xanh, thủy hải sản tăng giá hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng “té nước theo mưa” thường xảy ra khi thiếu hàng, nên một số tiểu thương thường tìm cách găm hàng, đẩy giá. Người tiêu dùng vẫn phải tiêu thụ hàng ngày nên dù đắt vẫn phải cố mua. Hàng hóa biến động do cung cầu trên thị trường có diễn biến bất thường là điều khó tránh khỏi. Nhưng người kinh doanh khôn ngoan, là người biết giữ chân khách hàng “ở lại” với mình. Khách hàng sẽ rời bỏ những người kinh doanh chộp giật. Vậy nên dù trong hoàn cảnh đặc biệt thì muốn phát triển kinh doanh lâu dài vẫn phải cẩn trọng, điều chỉnh giá hợp lý nếu không họ sẽ là người lĩnh hậu quả. |