Giấy vệ sinh giả nhan nhản, quản lý thị trường kêu… không có
Giữa “ma trận” hàng giả, hàng thật, hàng nhái lẫn lộn khiến người dân không biết đường nào mà lần thì công tác quản lý thị trường tại một số địa phương dường như "bất lực".
Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, thời gian qua, hàng loạt sản phẩm giấy vệ sinh của Công ty TNHH Tiến Hiếu (phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị làm giả, làm nhái được bày bán khắp nơi. Trong đó, có các điểm phổ biến tập trung ở ngoại thành Hà Nội như chợ Xuân Đỉnh, hàng loạt cửa hàng gần Học viện Cảnh sát nhân dân (quận Bắc Từ Liêm), phố Đại Linh, khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình 2, xã Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), La Phù (huyện Hoài Đức), chợ Xốm (quận Hà Đông)…
Một điểm bán lẻ bán hàng giả nhãn hiệu Ha Noi của Công ty Tiến Hiếu.
Việc mua các sản phẩm này rất đơn giản và giá cả cũng rẻ hơn hàng thật. Thậm chí, khi chúng tôi đặt vấn đề về một đầu mối để mua hàng giả thì người này không ngại ngần tiết lộ: “muốn mua bao nhiêu cũng có”. Còn về phía chủ cửa hàng, đại lý – những người trực tiếp bán sản phẩm đến cho người tiêu dùng thì cho biết, họ chỉ quan tâm đến giá rẻ chứ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm như thế nào.
Chính vì hàng giả, hàng nhái tràn lan nên chỉ trong vòng một vài tháng ra quân, một loạt các vụ việc vận chuyển và buôn bán giấy vệ sinh giả đã bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ. Mới đây nhất, ngày 23/12, Công an huyện Gia Lâm bắt giữ một vụ vận chuyển trên 90 nghìn cuộn giấy vệ sinh giả.
Cách làm giả, làm nhái giấy vệ sinh khá tinh vi đang tràn lan trên thị trường.
Trước đó, ngày 12/9 Công an phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) bắt được 1 xe tải vận chuyển giấy vệ sinh giả. Ngày 18/11/2016 Công an huyện Đông Anh cũng bắt được một xe ô tô chở giấy vệ sinh giả nhãn hiệu Ha Noi (làm giả của Công ty TNHH Tiến Hiếu) có gắn “tem chống hàng giả” đi tiêu thụ với trị giá lô hàng khoảng 50 triệu đồng.
Bà Đinh Thị Kim Định - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hiếu, một trong những nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề bởi hàng giả, hàng nhái đã không khỏi bức xúc khi nói về vấn nạn này. “Hiện tượng làm giả, làm nhái giấy vệ sinh của công ty chúng tôi xuất hiện khoảng 1 năm trở lại đây. Một số mặt hàng giấy vệ sinh nhãn hiệu Ha Noi có màu tím, màu xanh đều bị làm giả. Một số doanh nghiệp khác thì làm nhái giống hệt bao bì sản phẩm của công ty chúng tôi nhưng mang tên khác như Tosy, Kim Việt, Hà Nội, Thành Hưng… Việc hàng giả, hàng nhái đã khiến công ty chúng tôi tổn thất nặng nề về uy tín, thương hiệu và doanh thu thì giảm đến 30%”, bà Định cho biết.
Xe ô tô vận chuyển hàng giả đi tiêu thụ bị Công an huyện Đông Anh bắt giữ.
Theo bà Định, công ty đã làm đơn gửi lên nhiều cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Và điều đáng buồn là trong khi cơ quan công an các địa phương liên tiếp bắt các vụ vận chuyển hàng giả thì cơ quan quản lý thị trường lại khá thờ ơ về việc hàng giả, hàng nhái đang tràn lan ở các điểm bán lẻ.
Sau khi báo chí phản ánh về vấn nạn giấy vệ sinh giả, nhái tràn lan, ngày 3/1 vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên đã có văn bản số 01/QLTT-NVTH yêu cầu một số Đội quản lý thị trường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Để tiết kiệm chi phí, các đầu nậu làm giả bằng nhiều cách để lừa người tiêu dùng.
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 6 (quận Nam Từ Liêm) đã phát hiện nhiều điểm và tạm giữ nhiều cuộn giấy vệ sinh nhãn hiệu Ha Noi có dấu hiệu là giấy vệ sinh giả được bán công khai trên địa bàn quận. Tuy nhiên, Đội QLTT số 26 (quận Hà Đông), Đội QLTT số 33 (quận Bắc Từ Liêm) không phát hiện được địa điểm nào.
Nói về việc kiểm tra nhưng không phát hiện được hàng giả, hàng nhái, đại điện Đội QLTT số 26 cho rằng, các doanh nghiệp phải báo cáo chứ “việc gì phải đi mua việc”. Trong khi đó, bà Định Thị Kim Định – Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hiếu cho biết, đơn vị đã gửi rất nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng nhưng dường như việc xử lý vẫn rất qua loa.