Giá ngô xuống 2.400 đồng/kg: Kêu gọi doanh nghiệp "giải cứu" ngô
Ngày 14 và 15.7, tại Sơn La, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp Báo NTNN, CLB phóng viên tam nông đã tổ chức hội thảo phát triển ngô bền vững tại các tỉnh phía Bắc. Hội thảo nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển của cây ngô hiện nay; tăng cường truyền thông- thông tin về cây ngô đến với bà con nông dân và xã hội. Hiện tại, giá ngô ở Sơn La chỉ còn 2.400-2.600 đồng/kg, nên nhiều ý kiến đã kêu gọi doanh nghiệp thu mua ngô giúp dân.
Thay đổi tên gọi ngô biến đổi gen thành ngô chuyển gen
Theo Trung tâm Tin học- thống kê (Bộ NNPTNT), năm 2016, diện tích ngô của Việt Nam đạt hơn 1,15 triệu ha (chiếm 0,65% diện tích ngô toàn thế giới; 1,94% diện tích ngô châu Á; 11,6% diện tích ngô khu vực Đông Nam Á), và Việt Nam đứng thứ 24/166 nước trồng ngô trên thế giới.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, tổng diện tích đất trồng ngô toàn quốc khoảng trên 1 triệu ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất trồng ngô lớn nhất (474.000ha), chiếm 45,81% diện tích đất trồng ngô toàn quốc.
Trồng ngô chuyển gen đang mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ở huyện Yên Châu (Sơn La). ảnh: Trần Quang
Cũng theo ông Định, hiện nay, tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trong sản xuất đạt gần như tuyệt đối (100% diện tích gieo trồng). Tổng số giống ngô lai có mặt trong sản xuất khoảng trên dưới 50 giống do các công ty trong và ngoài nước cung cấp. Hàng năm, tổng lượng hạt giống ngô cung cấp cho sản xuất khoảng trên dưới 20.000 tấn (bao gồm cả giống sản xuất trong nước và giống nhập khẩu).
Kể từ năm 2014, Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển gen (GMO). Tính đến hết tháng 6.2017, Bộ NNPTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô chuyển gen. Theo báo cáo của các đơn vị có giống ngô chuyển gen được công nhận, đến hết tháng 3, tổng lượng hạt giống ngô GMO đã nhập khẩu khoảng 1.500 tấn (tương đương với khoảng gần 100.000ha diện tích gieo trồng) và là giống ngô chứa 2 đặc tính: Kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate.
Theo ông Định, ngô chuyển gen là một giống rất bình thường, nhưng do cách gọi của chúng ta là ngô biến đổi gen dễ gây sợ hãi, nên từ bây giờ cần thống nhất gọi là ngô chuyển gen.
Ông Định cho biết thêm, dự kiến đến năm 2020, cả nước gieo trồng 1,16 – 1,26 triệu ha ngô, phân bổ ở các vùng như đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
"Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NNPTNT đã đề nghị, trên cơ sở quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc, các tỉnh/thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn trong quá trình điều chỉnh các phương án quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô” - ông Định nhấn mạnh.
Kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ ngô cho nông dân
Hiện nay, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu”. Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) |
Là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam, Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích ngô lớn. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ngô được coi là một loại cây trồng chính, diện tích gieo trồng hàng năm lớn, chiếm trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La cho biết, tính đến hết tháng 6.2017 diện tích ngô của tỉnh đã trồng đạt 138.164ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có nhiều diện tích gieo trồng ngô biến đổi gen. Hiện nay, các giống ngô lai được sử dụng phổ biến tại Sơn La, các giống ngô lai sinh trưởng, phát triển mạnh, năng suất, chất lượng cao như LVN10, NK54, NK4300, NK66, CP888, CP3Q, CP989, CP333...
Ông Định cho biết thêm, trên 80% sản lượng ngô hàng năm được các hộ nông dân và các doanh nghiệp thu mua, sấy bảo quản và trở thành sản phẩm hàng hóa được thu gom bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc ở ngoài tỉnh. Còn lại phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân. "Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian tới tôi rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tích cực vào cuộc giúp tiêu thụ sản phẩm ngô cho nông dân để bà con yên tâm sản xuất làm giàu" - ông Định kiến nghị.
Ông Hoàng Văn Tuyến - nông dân tại đội sản xuất 77 thị trấn Nông trường huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho hay: "Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa, gia đình tôi có 4ha trồng ngô sinh khối, 0,5ha trồng cỏ. Thời gian thu hoạch ngô lấy sinh khối ngắn hơn so với trồng ngô lấy bắp khoảng 20 - 25 ngày nên tôi có thể tranh thủ trồng 2 vụ ngô một năm, thay vì một vụ như thông thường. Điều này vừa đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa, vừa hạn chế áp lực cỏ dại". "Trồng ngô lấy sinh khối hiệu quả kinh tế cao hơn 1.6 lần so với canh tác ngô lấy bắp. Theo như hạch toán của gia đình, 1ha ngô lấy sinh khối lãi hơn 25,6 triệu đồng trong khi trồng ngô lấy bắp chỉ hơn 15,6 triệu đồng"- ông Tuyến chia sẻ.