Giá gạo xuất khẩu tăng: Vừa mừng, vừa... lo
Dù vụ đông xuân 2018 mới bắt đầu thu hoạch rộ nhưng thị trường xuất khẩu gạo của nước ta hiện đã có nhiều tín hiệu sáng sủa, góp phần đẩy giá thu mua lúa tăng nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Lúa đông xuân được giá
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Trung An (Cần Thơ) cho biết, mới đầu vụ đông xuân, việc thu hoạch còn ít nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu thụ gạo đã tăng lên rất cao. Từ cuối năm 2017 đến nay, tín hiệu xuất khẩu rất tốt, dự kiến từ nay đến hết quý II.2018, xuất khẩu gạo sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc.
Lúa đông xuân vừa vào vụ đã có giá tốt, doanh nghiệp dự báo xuất khẩu gạo năm nay sẽ tốt hơn nhiều nhờ thị trường có tín hiệu tốt. Ảnh: T.H
Giá gạo tăng nhưng giá cám lại giảm Một số DN cho biết, giá thu mua lúa tại ĐBSCL từ mùng 6 Tết Mậu Tuất 2018 tới nay đều liên tục tăng, mặc dù lượng thu hoạch ngày càng nhiều. Giá thành sản phẩm gạo xuất khẩu của DN hiện nay phụ thuộc vào 2 vấn đề gồm nguyên liệu đầu vào và giá phụ phẩm. Theo đó, từ sau tết, giá gạo nguyên liệu IR50404 tại kho các thương lái bán ra ở ĐBSCL là 7.700 đồng/kg và giá cám bán ra là 5.400 đồng/kg. Còn hiện tại, giá gạo nguyên liệu đã tăng lên 7.750 – 7.800 đồng/kg nhưng giá cám thì giảm xuống dưới 5.000 đồng/kg. |
Điều đáng nói là giá gạo Việt Nam (VN) tăng theo việc gia tăng chất lượng và được người tiêu dùng chấp nhận. Hiện gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn trong rổ gạo xuất khẩu của VN, ngay cả một số đơn hàng gạo chất lượng thấp giá cũng tăng, thậm chí tăng cao hơn cả Thái Lan. Trước đây, gạo thơm của VN chỉ bán được với giá khoảng 640USD/tấn thì hiện đã đạt 700USD/tấn, tăng gần 30%.
“Việc giá gạo VN tăng cao không phải là điều ngẫu nhiên mà rõ ràng là do có sự chuẩn bị của ngành hàng lương thực VN trong việc thay đổi cơ cấu về giống lúa, phương thức hợp tác sản xuất, đi sâu vào sản xuất gạo thơm và gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu các khách hàng trên thế giới…”- ông Bình nhận xét.
Ông Lâm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cũng cho biết, tới thời điểm hiện tại, giá thành xuất khẩu gạo VN ở mức trên 415 USD/tấn (giá FOB) đối với gạo trắng 5% tấm. Giá này đã cao hơn gạo Thái Lan, là lợi thế cho nông dân VN trước kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2018. Giá lúa tươi tại ruộng hiện cũng quanh mức 5.200 – 5.300 đồng/kg trở lên.
Theo ông Tuấn, từ đầu năm nay, giá lúa gạo tăng vì qua hết 2017, đa phần các doanh nghiệp (DN) đều không còn gạo tồn kho. Thứ nữa, vụ đông xuân là vụ mùa lớn nhất, chất lượng tốt nhất nên các DN đều tập trung mua vào, đẩy nhu cầu thu mua tăng lên.
Chưa kể, theo như nhận định của các chuyên gia, nhu cầu gạo trắng của nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2018 khá cao nhưng khả năng đáp ứng được hiện chỉ có VN. Cụ thể như gói thầu mới đây của Indonesia khi mở ra, VN trúng thầu 141.000 tấn và đã giao hàng tốt hơn các đối thủ khác. Điều đó chứng tỏ năng lực của DN VN đang ngày càng lớn mạnh.
Vừa mừng vừa lo
Dù giá trong nước và xuất khẩu tăng cao giúp nông dân có thể bán được giá tốt, đảm bảo lợi nhuận khi trồng lúa, tuy nhiên các DN thì lo lắng nếu giá lúa trong nước tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn cho nhà xuất khẩu trong việc cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ông Tuấn cho biết, định hướng chung trong năm 2018, nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn lớn vì tồn kho của nhiều nước hiện rất thấp, tuy nhiên vấn đề chính vẫn là giá bán. Các nước hiện nay đều thay đổi phương thức nhập khẩu gạo từ đấu thầu tập trung (G2G) như trước đây sang mở thầu rộng rãi. Như vậy, sẽ có nhiều thành phần, nhiều đối tác cùng tham gia cạnh tranh.
Với mặt bằng giá cao như hiện tại thì gần như không có giao dịch nào được thực hiện bởi DN sợ sẽ tiềm ẩn rủi ro. Còn với những ND đã “chốt” hợp đồng xuất khẩu rồi thì đều phải bán thấp hơn giá mua vào nên không việc kinh doanh không hiệu quả.
Ông Tuấn phân tích, nếu DN mua 1 tấn gạo vào kho, trong vòng 3 tháng không tiêu thụ được thì chi phí đội lên thêm khoảng 10USD cho các chi phí gồm lãi suất vay ngân hàng, hao hụt và chi phí để chế biến, tái chế trong quá trình bảo quản.
“Với giá lúa gạo hiện nay, ngành lúa gạo vừa mừng vừa lo vì nông dân thu hoạch bán được giá cao nhưng tiềm ẩn rủi ro cho DN. Nếu thị trường thế giới sắp tới không tăng giá thì DN sẽ gánh hậu quả. Ví dụ như năm 2011 – 2012, giá thành gạo của VN quá cao nên không ai bán được hàng, sau đó phải hạ giá chào bán xuống để tiêu thụ được gạo trong kho” - ông Tuấn giải thích thêm.
Bà Dương Phương Thảo – Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cũng cho rằng, dù VN được đánh giá là thị trường nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản phía trước. Ví dụ như Trung Quốc, sau nhiều năm được coi là thị trường dễ tính, nay họ đã thay đổi chính sách nhập khẩu gạo, tăng cường các biện pháp kỹ thuật, siết chặt các giao dịch xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới.
Trung Quốc cũng yêu cầu chất lượng gạo nhập khẩu ngày càng cao hơn sau khi họ xây dựng hệ thống các cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm hiện đại. Họ tự hào cho rằng có thể kiểm định được cả những chỉ tiêu khắt khe hơn cả Mỹ, Nhật Bản.
Hay như Malaysia, thị trường này đang có nhu cầu nhập khẩu lớn trong năm 2018 nhưng lại chia nhỏ các đợt đấu thầu để dò giá từ các nhà cung cấp. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN cũng cần cẩn trọng trong việc “bỏ giá” để không ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung trong cả năm.
Từ diện nghèo nhất nhì xã, anh Phạm Văn Tiệp (38 tuổi, ở thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình) hiện đã có trong...