Giá dầu giảm, ai hưởng?

Trong khi lạm phát và giá dầu giảm mạnh, chi phí đầu vào vẫn tăng là nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam

Ngày 22-4, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2016.

Giá các sản phẩm từ dầu không giảm

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Vĩ mô CIEM, cho rằng giá dầu thô thế giới giảm làm mặt bằng giá thế giới giảm nhưng yếu tố này chưa tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Một trong số các nguyên nhân, có thể do quản trị doanh nghiệp (DN) không tốt. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia, bà Phạm Chi Lan cho rằng vấn đề nằm ở khâu điều hành chính sách. “Lâu nay chúng ta chỉ nói một chiều là giá dầu giảm làm giảm thu, phải tăng thu để bảo đảm ngân sách. Còn lợi ích từ giá dầu giảm rơi vào ai, có lẽ chỉ DN xăng dầu được hưởng từ cơ sở tính thuế. Một thời gian rộ lên chuyện taxi không giảm giá, chúng ta đòi giảm giá nhưng tất cả sản phẩm từ dầu lẽ ra phải giảm thì vẫn đứng yên. Dường như chỉ có sự “tấn công” vào nhóm taxi vì đó là tư nhân. Các DN lớn như điện không những không giảm giá mà còn đòi tăng, các ngành hóa chất cũng không giảm. Nếu giá phân bón, hóa chất giảm, nông dân sẽ thuận lợi hơn. Vấn đề này cần làm rõ thêm” - bà Lan bức xúc.

Giá dầu giảm, ai hưởng? - 1

Giá xăng dầu giảm mạnh nhưng nền kinh tế chưa được hưởng tương xứngẢnh: Tấn Thạnh

Các chuyên gia cũng lưu ý đến hiện tượng lạm phát tăng trong quý vừa qua, trong khi tăng trưởng đang chậm lại. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng có phần do “giá chính sách”, như giá thuốc, dịch vụ y tế được điều chỉnh đồng loạt tại nhiều địa phương. Đây là việc tăng giá theo sự can thiệp hành chính, không kèm theo cải cách thể chế, tạo động lực cho nhà cung cấp dịch vụ nên đã làm tăng chi tiêu, giảm tiêu dùng. Cùng một sản phẩm, dịch vụ nhưng người dân phải bỏ ra tiền nhiều hơn, như vậy chỉ có tác dụng để phục vụ lợi ích của khu vực cung cấp dịch vụ nhà nước.

Không nên tăng thuế, phí để củng cố niềm tin

Khác với sự hốt hoảng của dư luận và cả nhà hoạch định chính sách trước tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2016 thấp và đang giảm tốc, CIEM lại cho rằng mức độ tăng trưởng GDP 5,46% trong quý I vừa qua là phù hợp với thông lệ hằng năm. Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt lo ngại là chất lượng tăng trưởng không được cải thiện. “Mức độ tăng trưởng như vậy không phải là thấp so với quý I của giai đoạn từ năm 2009 đến nay, cũng không thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2015 nếu giữ nguyên khai thác dầu thô và khoáng sản khác. Những năm trước, mỗi khi tăng trưởng có khả năng yếu đi thì lại tăng khai thác dầu thô để đạt mục tiêu tăng trưởng. Nếu cứ tăng trưởng trên 6% mà chất lượng không đổi thì không để làm gì cả” - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Điểm khác biệt và đáng lo ngại của kinh tế Việt Nam trong thời điểm này, theo TS Nguyễn Đình Cung, là nông nghiệp tăng trưởng âm, công nghiệp và xây dựng đóng góp vào tăng trưởng giảm đi, nghịch lý tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách cao, bội chi không có điểm dừng, nợ công liên tục tăng lên mức cao nhất khu vực, trong khi môi trường kinh doanh lại kém nhất khu vực. Với trùng điệp rào cản, gánh nặng thuế, phí, DN tư nhân Việt Nam dường như không còn sức sống.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng là ở những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam như tài sản khổng lồ nhưng sử dụng lãng phí; tài nguyên thiên nhiên khai thác kém hiệu quả, cơ hội đầu tư phát triển bị đè nén, kìm hãm…

“Điểm mấu chốt cần cải thiện là phải củng cố lại niềm tin. Do đó, Chính phủ không nên tăng bất cứ loại thuế, phí nào trong hoàn cảnh hiện nay. Nên chấm dứt bàn tăng phí giao thông trong 5 năm tới để tạo niềm tin cho người dân và DN. Đối với đầu tư công, phải chấm dứt bổ sung vốn nhà nước cho các DN hoạt động không hiệu quả như Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên” - TS Cung kiến nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN