Giá 1 tạ mì = 1 tô phở
Người dân trồng mì các tỉnh Tây Nguyên đang điêu đứng vì cả sản lượng và giá của cây trồng xóa đói giảm nghèo này thấp kỷ lục từ trước đến nay.
Những ngày qua, nhiều người trồng mì ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk đứng ngồi không yên vì giá mì quá thấp, thương lái lại chẳng chịu mua.
Phá bỏ cây xóa đói giảm nghèo
Hiện mì tươi tại rẫy được thương lái mua chỉ có giá 300 - 350 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với 1.800 đồng/kg ở năm 2015. Trong khi giá 1 tô phở trung bình ở Gia Lai đã là 35.000 - 40.000 đồng. “Bỏ công sức trồng, chăm sóc, đến khi bán thì 1 tạ mì chỉ đủ ăn một tô phở thôi” - ông Lê Văn Thành (ngụ thôn Mê Linh, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) than thở.
Gieo trồng vất vả nhưng nông dân đành phải cay đắng bán mì với giá thấp kỷ lục
Theo ông Thành, từ nhiều năm qua, cây mì là loại cây chủ lực giúp người dân huyện Krông Pa xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất cây mì và các loại cây trồng khác. So với mọi năm, sản lượng cây mì của gia đình ông giảm gần một nửa. “Trung bình các năm trước được khoảng 30 tấn/ha nhưng năm nay chỉ chừng 17-18 tấn. Sản lượng đã thấp lại còn mất giá nên nông dân chúng tôi rất lo lắng, không biết lấy gì để đầu tư cho vụ mùa sau” - ông Thành lo lắng.
Theo tính toán, 1 ha mì phải đầu tư khoảng 15 triệu đồng, chưa kể tiền thuê đất (từ 5-7 triệu đồng/ha). Với giá cả như hiện nay, nông dân chỉ thu được 5-6 triệu đồng/ha, xem như lỗ nặng.
Do giá mì quá thấp, gia đình ông Nguyễn Văn Vũ (xã Chư Drăng) cũng đã phá bỏ 1 ha trồng mì để trồng cỏ nuôi bò. Ông Vũ buồn bã: “Một tạ mì bán chỉ được chừng 30.000 đồng, phá đi để trồng cỏ nuôi bò còn hiệu quả hơn”.
Thêm bài học chuyển đổi cây trồng
Dù mì rớt giá thê thảm nhưng muốn bán được cũng không hề dễ. Lý do vì giá bán tại nhà máy không cao, không có lời nên thương lái dừng thu mua. Ông Đỗ Đắc Trứ (thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) cho biết do thương lái không mua, ông phải mang ra nhà máy bán. Tốn thêm chi phí vận chuyển nhưng nhà máy thu mua cũng chỉ trên dưới 300 đồng/kg.
Nhà máy tinh bột sắn Gia Lai thuộc Công ty CP FOCOCEV Việt Nam (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) là đơn vị thu mua mì của nông dân. Đại diện FOCOCEV Việt Nam cho rằng giá mì thấp là do giá tinh bột mì trên thị trường trong nước và quốc tế biến động. Hiện nhà máy cũng chỉ sản xuất cầm chừng. “Năm 2015, giá bán bình quân là 350-360 USD/tấn tinh bột, năm nay thị trường giảm mạnh chỉ còn 270-280 USD/tấn nên kéo theo giá thu mua giảm” - vị đại diện FOCOCEV Việt Nam giải thích.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, cho biết theo quy hoạch thì niên vụ mì năm 2015-2016, diện tích trồng cây mì đã tăng gần gấp đôi, đạt 15.000 ha.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giá mì giảm là do nông dân trồng không theo kế hoạch, mạnh ai nấy làm, sản xuất ồ ạt nên cung vượt cầu. Bên cạnh đó, lượng mì ở nước ta chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Khi nguồn hàng đã dư thì tất nhiên giá sẽ giảm. “Giá cả thấp ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người dân. Hiện tại, phòng chỉ hướng dẫn, khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng khác để vừa cải tạo đất vừa tăng thêm thu nhập” - ông Duyên nói.
Như vậy, nông dân sẽ lại phải chặt bỏ cây mì để trồng cây khác. Bài học về chuyển đổi cây trồng lại phải tiếp tục rút kinh nghiệm và nông dân vẫn cứ loay hoay xóa đói giảm nghèo.