Gấp rút quy hoạch nguồn nước ở ĐBSCL
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực trong điều kiện biến đổi khí hậu để kiểm soát được mặn và bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất cho người dân
Ngày 13-7, Hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL” trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2016 đã được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang.
Thiệt hại nặng nề
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2014 đến nay, do tác động của El Nino nên mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm ở ĐBSCL. Từ đầu năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến mặn trên sông xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90 km.
Nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại nặng nề do lúa bị ảnh hưởng hạn mặn Ảnh: NGỌC TRINH
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân. Theo đó, tổng diện tích thiệt hại là 126.798 ha. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau 49.343 ha, Kiên Giang 34.093 ha, Bạc Liêu 11.456 ha và Bến Tre 10.755 ha.
TS Nguyễn Trịnh Nhất Hằng (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết đợt hạn, mặn vừa qua đã khiến cho nước nhiễm mặn xâm nhập đến hầu hết các vùng trồng cây ăn quả tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng... với hơn 9.400 ha bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước, chất dinh dưỡng của cây trồng. Nước mặn phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ.
Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), một số tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu do nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, độ mặn tăng cao, có nơi lên đến 30‰-50‰, làm cho tôm giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết. Thống kê sơ bộ tại 8 tỉnh ven biển ĐBSCL, tính đến giữa tháng 5-2016, khoảng 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Hạn hán, xâm nhập mặn làm cho khoảng 250.000 hộ gia đình (khoảng 1,3 triệu người) ở các khu vực cửa sông, ven biển thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Tận dụng khả năng trữ lũ
Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết nguồn nước dưới đất vùng ĐBSCL có đặc điểm phức tạp, đặc biệt là sự phân bố mặn - nhạt trong các tầng chứa nước. Đa phần nước dưới đất trong các tầng là mặn, nước nhạt chỉ tồn tại trong các tầng dưới dạng các “thấu kính” được bao quanh bởi nước mặn. Nguồn bổ cập cho nước dưới đất vùng ĐBSCL rất hạn chế, do đó tiềm năng khai thác nước dưới đất được hình thành chủ yếu từ trữ lượng tĩnh (trọng lực, đàn hồi) trong các tầng chứa.
Theo số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay cho thấy tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng chứa nước vùng ĐBSCL khoảng 0,15-0,4 m/năm. Khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước lớn là các khu vực tập trung khai thác nước dưới đất quy mô lớn như các TP Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh...
Cũng theo Cục Quản lý tài nguyên nước, giải quyết các vấn đề thách thức hiện nay ở ĐBSCL cần gấp rút thực hiện một cách đồng bộ thông qua việc tập trung xây dựng và quy hoạch tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong; tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu, để cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Đồng thời, xây dựng các công trình khai thác nước ngầm sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết; thành lập Ủy ban Lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề về tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ...
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, các giải pháp chính của quy hoạch thủy lợi ĐBSCL, gồm: Kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển; hạn chế lũ tràn từ biên giới vào vùng ĐBSCL bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên) sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười); tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ bằng các hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ tạo nên, nhất là cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện lũ nhỏ và trung bình. Đối với vùng bán đảo Cà Mau, do đây là vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng ven biển và trung tâm Quản Lộ - Phụng Hiệp nên giải pháp cấp nước ngọt cơ bản cho vùng này là mở rộng, nạo vét các kênh trục nối từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng...
Phải tìm ra giải pháp Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh gấp rút phục hồi, phát triển rừng ngập mặn và sinh kế gắn liền với rừng ngập mặn. Tập trung nạo vét các kênh thủy lợi và phát huy lợi thế vùng nước lợ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiết kiệm nước cho vùng ĐBSCL. Huy động nguồn lực, trí tuệ trong việc tìm ra các giải pháp thiết thực, có hiệu quả trong quá trình kiểm soát mặn, trữ ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân ĐBSCL. |