Gần 80% nước giải khát đóng chai lập lờ nhãn mác

Hàm lượng chất dinh dưỡng, khoáng chất không như quảng cáo khiến chất lượng nước giải khát không đảm bảo, thậm chí có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Gần 80% nước giải khát đóng chai lập lờ nhãn mác - 1

Lô nước giải khát C2 không đạt chất lượng bị cơ quan chức năng tiêu hủy

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo về Chất lượng nước giải khát đóng chai do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCVN, Bộ KHCN) tổ chức ngày 5/10.

Đa phần sản phẩm vi phạm về nhãn mác, chất lượng

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (TCVN) cho biết: Kết quả khảo sát cho thấy, nước giải khát đóng chai trên thị trường hiện nay, chủ yếu vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng theo quy chuẩn. Cụ thể, trong năm 2016, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã khảo sát 19 mẫu các loại nước giải khát như: Nước cam ép, nước chanh, nước tăng lực, nước ổi, nước dứa... Kết quả cho thấy: 15/19 mẫu (bằng 78,9% số mẫu được khảo sát) sai về nhãn hàng hóa; 2/19 mẫu (khoảng 10,5%) không đạt chất lượng về chỉ tiêu vi sinh.

"Người tiêu dùng trước khi mua cần phải kiểm tra về nhãn hàng hóa, xem có ghi đầy đủ: Tên hàng hóa, tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm nước giải khát đóng chai không có hoặc không đầy đủ các thông tin trên”.

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), nhiều nhà sản xuất nước giải khát không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm nên đã sử dụng một số chất phụ gia như chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị và một số chất dinh dưỡng không đúng chuẩn mực. Ví dụ như, các loại chất tạo màu, tạo mùi với hàm lượng và chất lượng không đảm bảo dẫn đến có hại cho sức khỏe.

“Một số nhà sản xuất nước giải khát cam kết đưa những chất dinh dưỡng, khoáng chất nhưng thực tế lại không đưa vào, hoặc không đúng hàm lượng dẫn đến chất lượng nước giải khát không đảm bảo, thậm chí có hại cho sức khỏe người tiêu dùng”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nhận định.

Trước thông tin nước giải khát nhiễm chì đang khiến người tiêu dùng lo lắng, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, nguyên nhân chính là do DN không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. “Nguồn nhiễm kim loại nặng có khả năng ở ngay trong các chất phụ gia mà nhà sản xuất sử dụng ví dụ như, chất tạo vị chua như axit chanh (axit citric). Bản thân axit này có thể bị nhiễm chì, bởi mỗi nước có cách sản xuất có khả năng nhiễm kim loại nặng ở mức độ khác nhau. Mặt khác, nguồn nhiễm kim loại nặng có thể từ bao bì sản phẩm. Cụ thể, bao bì bằng nhựa rất dễ bị nhiễm kim loại nặng vì trong quá trình gia công, người ta dùng chất hóa dẻo để gia công bao bì, trong đó, catdimi rất nhiều. Có những DN nhỏ sử dụng chai nhựa tái chế hoặc các chai nhựa dùng lại thì rất dễ bị nhiễm bẩn. Loại bao bì bằng kim loại như nhôm và mạ thiếc rất có khả năng bị thôi nhiễm kim loại nặng. Vì vậy, trước khi nạp nước giải khát vào chai, hộp phải phủ một lớp chống ăn mòn để tránh hiện tượng thôi nhiễm kim loại nặng từ bao bì”, ông Thịnh phân tích.

Lỗ hổng quản lý nước giải khát đóng chai

Theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, chất lượng nước giải khát thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo Luật ATTP, Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm. Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với nước giải khát.

Theo cơ chế hiện hành, cơ sở sản xuất nước giải khát được phép tự thử nghiệm và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cơ quan chức năng chỉ làm công tác hậu kiểm lại không thường xuyên. Dư luận đặt câu hỏi dễ bỏ lọt hàng kém chất lượng ra thị trường?

Thừa nhận có lỗ hổng trong việc quản lý chất lượng nước giải khát đóng chai, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng Cục trưởng TCVN nhận định: “Đây là một vấn đề lớn trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa không chỉ đối với nước giải khát mà còn đối với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng khác. Các cơ quan quản lý Nhà nước không thể có đủ nguồn lực đi kiểm tra, thử nghiệm đối với tất cả các loại nước giải khát. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, DN trách nhiệm về sản phẩm cung cấp ra thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước qua quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật theo mức độ rủi ro của sản phẩm sẽ quyết định việc tăng cường kiểm soát chất lượng ngay từ ban đầu (tiền kiểm) hay kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa sau khi đã được lưu thông trên thị trường (hậu kiểm)”.

Qua đây, ông Linh cũng khuyến nghị: Bộ Công thương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng, ATTP lưu thông trên thị trường. Bộ KHCN sẽ đẩy mạnh công tác cảnh báo chất lượng đối với SPHH nói chung, trong đó có nước giải khát. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu chỉnh sửa, ban hành QCVN theo hướng cần kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng nước giải khát trước khi lưu thông trên thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Đăng (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN