Ép giá nông dân, "cắt cổ" người tiêu dùng

Người nông dân bị ép cả đầu ra, đầu vào còn người tiêu dùng phải mua giá cao vời vợi.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội đưa ra băn khoăn trước thực trạng, con số báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cơ quan thống kê thấp, nhưng thực chất giá bán tới tay người dân không hề giảm.

Số liệu được đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra tại hội thảo Diễn biến tình hình giá cả 6 tháng đầu năm 2014 và dự báo cả năm 2014 diễn ra sáng 30/6 cho thấy, mức lạm phát 6 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 1,38%, chỉ bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và là mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.

Ép giá nông dân, "cắt cổ" người tiêu dùng - 1

Qua nhiều tầng nấc, giá hàng hóa tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao.

Song, chi phí sản xuất cũng như giá sản phẩm cuối cùng tới tay người tiêu dùng vẫn không hề giảm. Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội phản ánh, dù chỉ số giá tăng thấp được các cơ quan quản lý nhận định là “đáng mừng”, nhưng nếu phân tích kỹ và mổ xẻ ở các khía cạnh thì sự “bất động” của CPI trong 6 tháng đầu năm lại “lo nhiều hơn mừng”.

Ông Phú cho rằng, CPI 6 tháng “dừng lại” chứ không tăng cao được là do tổng cầu yếu, hiện tượng găm hàng đầu tư, thao túng giá của một bộ phận nhà sản xuất, các trung gian bán buôn ở trên thị trường có tác động mạnh mẽ đến giá bán lẻ, luôn luôn đứng ở giá cao. 

Ông Phú lấy dẫn chứng mặt hàng đường, trong khi đường ở nhà máy giá 12.000 đồng/kg, lượng tồn kho lên tới 600.000 tấn trong đầu năm 2014 thì ở các siêu thị và cửa hàng bán lẻ giá đường vẫn đắt gấp đôi, tới 21.000 – 25.000 đồng/kg. Để mỗi kg đường đến tay người tiêu dùng phải trải qua 2-3 “nấc” trung gian. Với mức giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng gấp đôi giá xuất xưởng tại nhà máy, mỗi năm người tiêu dùng bị móc túi 4 tỷ đồng.

Hay như quả trứng bán tại Đồng bằng song Cửu Long chỉ 4.000 đồng/chục có khi không ai mua, nhưng giá bán tại Sài Gòn vẫn 21.000 đồng/chục.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu thị trường của Phòng Thương mại Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, khi cơ quan này đưa ra con số tới 80% thông tin từ địa điểm giao dịch hàng hóa, giá cả, thị trường bản thân các người sản xuất không được tiếp cận, không có thông tin nên dễ bị ép giá khi giao dịch. Chủ tịch Hội Siêu thị TP. Hà Nội quả quyết, thật vô lý khi Việt Nam nằm trong số quốc gia đang phát triển, nghèo thế nhưng giá ô tô, giá dịch vụ, hàng hóa thiết yếu lại lại đắt nhất thế giới.

“Người nông dân bị ép cả đầu ra, đầu vào còn người tiêu dùng phải mua giá cao vời vợi. Chúng ta có nguồn tài nguyên nhưng dân Việt Nam vẫn phải ăn đắt, hàng chục năm nay không hề thay đổi được gì. Hãy đi giữa hai bà nội trợ để biết giá cả thực tế thế nào, chứ đừng nhìn vào những con số thống kê”- ông xót xa.

Từ thực tế này, ông Phú cho rằng, phải tổ chức lại khâu sản xuất, phải kéo giá xuống nữa. Giá cả phải giải quyết bằng bài toán kinh tế chứ không phải biện pháp hành chính. Vị chuyên gia này đưa ra dự báo, lạm phát cả năm 2014 sẽ dự kiến sẽ chỉ ở mức 5,2-5,4%, thấp hơn khá nhiều mức mục tiêu 6% Quốc hội đề ra hồi đầu năm.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng – Viện Kinh tế Tài chính nhận định, lạm phát tới đây sẽ chỉ khoảng 4%. Bởi, theo ông nền kinh tế không còn nhiều nguồn lực để đưa tăng trưởng lên mức 6%, đừng nói còn tiền để gây ra lạm phát.

Dưới góc độ cơ quan quản lý tiền tệ, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá, chỉ số giá tăng thấp phản ánh chất lượng và khả năng phục hồi nền kinh tế. Khác quy luật hàng năm, nhân tố từ phía cung – cầu nền kinh tế tác động không nhiều vào chỉ số giá, mà nguy cơ tiềm ẩn đẩy CPI tăng vào cuối năm lại chính là giá các mặt hàng “độc quyền” như xăng dầu, điện…. mà Nhà nước nắm quyền kiểm soát, điều chỉnh. Vì thế, phải nhanh chóng đưa giá các mặt hàng này về cơ chế giá thị trường, không thể cứ dùng mãi bàn tay can thiệp hành chính quá nhiều.

Ngoài giải pháp “kích” tiêu dùng cũng cần có giải pháp kích cung để tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, tránh sự lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, như bài học nhãn tiền từ tình hình biến động ở biển Đông thời gian qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN