Đường Thái Lan khuynh đảo thị trường Việt
Mỗi năm, có đến nửa triệu tấn đường nhập lậu từ Thái Lan với giá rẻ tuồn vào Việt Nam.
Câu chuyện đường ngoại nhập lậu tràn ngập thị trường Việt Nam đã làm nóng hội nghị thương mại ngành mía đường do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức ngày 29-12 tại TP.HCM.
Phù phép đường
Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất đường bức xúc trước tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường nội 1.000 đồng/kg đang tấn công thị trường Việt. Đáng chú ý, đường lậu Thái Lan không chỉ vào nước ta qua biên giới Campuchia mà còn chuyển sang phía biên giới giáp Lào rồi tuồn vào ồ ạt, chiếm lĩnh gần như hầu hết thị trường các tỉnh miền Trung.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, nêu thực tế hiện nay có một số cơ sở đăng ký sản xuất, chế biến đường tại miền Trung nhưng thực chất không có nhà máy sản xuất. Những cơ sở này đã mua đường lậu rồi đóng bao lớn hoặc vô túi nhỏ để phân phối với bao bì, nhãn mác của chính họ.
“Đường lậu Thái Lan còn được phù phép, núp bóng trong bao bì của công ty có thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng” - ông Doanh nói.
Không chỉ vậy, một số DN còn lo ngại về cách xử lý đường lậu bị bắt giữ. Đại diện Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh dẫn chứng hiện nay đường nhập lậu sau khi bị bắt được bán đấu giá với giá thấp. Sau đó, đường lậu được “hợp thức hóa giấy tờ” và ung dung trở ngược ra thị trường tiêu thụ.
“Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì đường trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng vì không thể cạnh tranh được về giá” - đại diện Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cảnh báo.
Mối lo nữa là đường được cho tạm nhập tái xuất nhưng lại không xuất mà quay ngược lại bán trong nước. Cụ thể, theo đại diện Công ty Mía đường Trà Vinh, có trường hợp đường từ Thái Lan được tạm nhập vào Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thực tế tàu chở lượng đường này sau khi cập cảng Hải Phòng lại tuồn ra thị trường trong nước để bán.
“Đã đau đầu với đường lậu, nay lại thêm vấn đề đường tạm nhập tái xuất” - đại diện Công ty Mía đường Trà Vinh nói.
Thời gian qua giá đường dao động 16.600-17.800 đồng/kg, tùy loại. Trong ảnh: Mua bán đường tinh luyện tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: HTD
Bắt tay nhau để ổn định thị trường
Không chỉ DN sản xuất bị ảnh hưởng mà các đơn vị bán lẻ, mua đường để chế biến bánh kẹo, nước giải khát… cũng bị tác động bởi đường lậu và giá đường cao. Ông Nguyễn Đình Thế Anh, đại diện Công ty Coca-Cola Việt Nam, thông tin mỗi năm đơn vị tiêu thụ hơn 20.000 tấn đường. Chất lượng đường Việt Nam tốt nhưng giá thành cao khiến chi phí đầu vào của công ty tăng, lợi nhuận giảm.
Từ đó, ông Anh đề nghị bên cạnh việc ngăn chặn đường lậu thì DN sản xuất đường có thể áp dụng nhiều giải pháp để giảm chi phí cho cả đơn vị sản xuất lẫn tiêu thụ. Chẳng hạn, ở khâu đóng gói bao bì, DN mía đường trong nước nên đóng những bao trọng lượng lớn cỡ một tấn như các nước đang làm, thậm chí lớn hơn. Qua đó để tiết giảm chi phí bao bì, vận chuyển, dễ bảo quản và có giá bình ổn hơn.
Cũng giống như Coca-Cola, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng DN mía đường cần có bao bì cỡ lớn thay vì chỉ 30-50 kg như hiện nay. Đặc biệt, cần chuyển sang dạng đường lỏng để dễ bảo quản, giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó cần tổ chức các hội nghị khách hàng để các nhà sản xuất, thương mại và tiêu thụ, chế biến lẫn xuất khẩu tăng cường liên kết chặt chẽ. Có như vậy mới ổn định được thị trường trong nước, không xảy ra thiếu thông tin dẫn tới hỗn loạn thị trường và đẩy giá đường Việt Nam càng cao.
Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh cho biết Bộ NN&PTNT, hiệp hội sẽ cùng các nhà máy đường thống kê số liệu để có thể dự báo chính xác cung cầu đường, điều tiết thị trường, tránh tình trạng khan hiếm xảy ra. VSSA cũng nhận định giá đường từ nay đến tết Nguyên đán sẽ ổn định do nguồn cung từ các nhà máy dồi dào.
Không xuất khẩu được ký nào Một số công ty cho hay hơn hai năm nay không xuất khẩu được hạt đường nào sang Trung Quốc vì không cạnh tranh được với đường Thái Lan giá rẻ hơn. Ngược lại, đường lậu lại tràn vào nước ta ngày càng nhiều, ước khoảng 400.000-500.000 tấn/năm. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngành mía đường đã được Nhà nước bảo hộ quá lâu, khả năng cạnh tranh yếu. Việc bảo hộ này chỉ làm giàu cho một nhóm DN chứ không mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Đó là chưa kể tình trạng găm hàng, làm giá, thao túng thị trường. Một quan chức của Bộ Công Thương từng nhận xét rằng nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường với giá cao, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới. Theo lộ trình đến năm 2018, thuế xuất nhập khẩu với mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%, thay vì 30% như hiện nay. Điều này sẽ tạo sức ép lớn hơn cho ngành mía đường Việt Nam. |