"Đừng tổ chức hội chợ, đi nghiên cứu thị trường nữa..."

Ngày 13-7, tại Hậu Giang, Ban tổ chức sự kiện MDEC Hậu Giang 2016 phối hợp với VCCI tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL năm 2016.

Tại diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL gặp gỡ, trao đổi, đối thoại và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đồng thời hỗ trợ về vốn, giới thiệu các dự án để hợp tác...  

"Đừng tổ chức hội chợ, đi nghiên cứu thị trường nữa..." - 1

Quang cảnh diễn đàn DN vùng ĐBSCL 2016. Ảnh: CTV C.T

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, toàn vùng ĐBSCL hiện có 74.500 DN, với tổng số vốn đăng kí trên 605 ngàn tỉ đồng. Trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới gần 3.900 DN với số vốn đăng ký hơn 39 ngàn tỉ đồng…

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song nhìn chung DN ở vùng ĐBSCL đa số vẫn là những DN vừa và nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu.

Do đó, tại diễn đàn, DN cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách phù hợp hỗ trợ cho DN đầu tư để đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, tạo ra đà tăng chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động. Từ đó mới có điều kiện cạnh tranh với các thị trường trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ DN về vốn, lãi suất ngân hàng để đầu tư cho công tác cải tạo môi trường, xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Các DN cũng đề nghị hoạt động xúc tiến thương mại cần phải tổ chức lại. Các cơ quan xúc tiến của Nhà nước đừng tổ chức hội chợ, đi nghiên cứu thị trường nữa mà phải làm tư vấn, hướng dẫn cho DN chọn hội chợ quốc tế có ích và hướng dẫn DN đi hội chợ cách nào hiệu quả nhất…

DN kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách vay ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu để giảm bớt áp lực lãi vay, đồng thời có những gói vay phù hợp với các hợp đồng bao tiêu để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng với nông dân…

Các ý kiến, kiến nghị của DN đã được Ban tổ chức ghi nhận để tổng hợp chuyển bộ ngành liên quan giải quyết, tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.   

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần định hướng phát triển vùng ĐBSCL theo “chuỗi sản xuất”, “chuỗi giá trị” toàn cầu trong thế liên kết vùng, liên vùng, đồng thời xây dựng chương trình khởi nghiệp hiện đại đúng nghĩa cho vùng. Còn ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Cùng với lực đẩy từ chính sách, cộng đồng DN trong vùng cũng cần tận dụng tốt các cơ hội thị trường, phát huy nội lực, xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thương trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Long (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN