Đối mặt áp lực tăng giá điện

Việc phải bảo đảm đủ nguồn điện bằng nhiều phương án, gồm cả huy động nguồn giá cao, có thể khiến giá thành sản xuất tăng mạnh. Chưa kể, giá bán điện đang được nghiên cứu thực hiện theo mùa, theo vùng

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến tăng trưởng phụ tải trong quý I/2016 vào khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4-2016, dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt 505 triệu KWh/ngày, tháng 5 và 6 lên tới 540 triệu KWh/ngày; công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống trong các tháng quý II có thể lên tới 28.730 MW.

Miền Nam không đủ điện

EVN cho biết khu vực miền Bắc có thể bảo đảm nước để phát điện, còn miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam đang phải đối mặt tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Tổng lượng nước về các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam chỉ đạt 3,29 tỉ m³ (thấp hơn dự kiến 1,84 tỉ m³).

Đối mặt áp lực tăng giá điện - 1

Thủy điện Ialy đang thiếu nước trầm trọng

Tại hầu hết các hồ thủy điện, lưu lượng nước về đều thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm. Thậm chí, một số hồ còn có giá trị lưu lượng nước về cực hạn trong chuỗi quan trắc nhiều năm. Vì thế, một số nhà máy thủy điện phải phát điện cầm chừng và 12 nhà máy đã tách khỏi thị trường điện, chỉ phát điện theo yêu cầu của hạ du, nhằm bảo đảm cung ứng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, cho biết miền Nam nếu tự cân đối nguồn thì không đủ điện. Do đó, 3 mạch đường dây Bắc - Nam phải đưa điện từ miền Trung vào, đồng thời tăng cường nhiệt điện chạy dầu. Từ đầu năm đến nay, nguồn điện dầu đã phát nhiều hơn cả nguồn điện này của cả năm 2014 cộng lại. Chưa kể, các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than cũng phải huy động để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt do thủy điện so với những năm trước. Thậm chí, mua điện từ Trung Quốc cũng vẫn phải duy trì.

Vẫn có khả năng mất điện

Ông Phúc cho rằng tuy tình hình cung ứng điện sắp tới dự báo khá căng thẳng nhưng việc cung ứng điện vẫn bảo đảm.

Theo đại diện EVN, các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam được điều tiết, khai thác tiết kiệm để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho hạ du, đồng nghĩa với việc tạm ngừng phát điện. Tuy nhiên, tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khai thác hợp lý các nguồn điện, huy động cao các nguồn điện than, khí, nhiệt điện chạy dầu và vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện liên kết các miền. Qua tính toán, hệ thống đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải trong quý II.

Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cho biết hiện hệ thống điện có tổng công suất 38.642 MW, phụ tải 25.000 MW. Hệ thống dù có dự phòng nhưng ở mỗi miền khác nhau nên đòi hỏi cân đối và vận hành điện liên kết các miền.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Danh Duyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP (EVN Hà Nội), cho hay không có tình trạng cắt điện luân phiên do thiếu điện. Có những khu vực bị mất điện là do EVN Hà Nội tạm ngừng cung cấp điện để duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên, nhiều khả năng vẫn có thể mất điện nếu hệ thống quá tải, dẫn đến sự cố.

Đối với toàn hệ thống, việc bảo đảm đủ nguồn điện bằng tất cả phương án, trong đó có huy động nguồn giá cao, đang tạo ra lo lắng giá thành sản xuất điện tăng mạnh. Chưa kể, Chính phủ đã phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó đề cập việc nghiên cứu thực hiện giá bán điện theo mùa và theo vùng. Bởi lẽ, mùa mưa nhiều nước, thủy điện phát nhiều, giá điện có thể thấp; trong khi mùa khô, ngành điện phải chạy điện than, khí, dầu nhiều nên giá thành điện sẽ cao hơn. Mối lo giá điện tăng vì thế hoàn toàn có cơ sở.

Theo EVN Hà Nội, nhu cầu điện tăng đột biến vào mùa hè sẽ khiến hóa đơn điện của khách hàng tăng mạnh, đặc biệt từ tháng 4 trở đi. Giá điện sinh hoạt xây dựng theo mức bậc thang, nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều thì mức giá điện càng tăng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng. Vì vậy, khách hàng cần có phương án sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong mùa hè.

Thủy điện phát điện cầm chừng

Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã lên các phương án tiết kiệm nước, đồng thời làm việc với các hồ chứa thủy điện để chỉ đạo hạn chế xả nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của dân.

Hiện trên 70% số hồ chứa ở Quảng Nam đang thiếu nước nghiêm trọng. Tỉnh đã nghiêm cấm các hồ chứa xả nước nhằm tích trữ để chống hạn trong thời gian tới; chủ động lên kế hoạch đắp đập ngăn mặn sớm hơn dự tính để giữ nguồn nước ngọt ngay tại các sông. Hàng chục ngàn hecta ruộng lúa nước cũng đã được các địa phương trình kế hoạch chuyển sang trồng cây hoa màu.

Theo ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăk Mi 4, công ty đã và đang phát điện cầm chừng, khi nào nước về hồ cao hơn mực nước quy định thì mới phát điện. Công ty CP Thủy điện A Vương cũng cho biết hồ chứa A Vương hiện chỉ tích được 65% dung tích hồ nên không thể vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa mà phải vận hành theo yêu cầu của địa phương để bảo đảm giữ nước cho mùa khô sắp tới.

Tr.Thường

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Dương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN