“Đỏ mắt” tìm người giữ nhà dịp Tết

Sự kiện: Kinh Doanh

Sợ trộm đột nhập lấy tài sản, nhiều gia đình ở Sài Gòn phải chi hàng chục triệu đồng để thuê bảo vệ giữ nhà trong những ngày Tết. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn nên có tiền cũng chưa chắc thuê được người.

Tốn tiền triệu mỗi ngày

Những ngày giáp Tết, chị Lê Thu Phương ở quận Bình Tân vừa phải chạy nước rút giải quyết công việc vừa lo tìm bảo vệ để giữ nhà trong những ngày Tết. Chị Phương cho biết, Tết này cả gia đình sẽ về quê chồng ở Đà Nẵng trong 8 ngày nhưng lại không an tâm khi tài sản để lại căn nhà ở khu Tên Lửa.

“Hầu như Tết nào cũng nghe chuyện cả gia đình đi du lịch, về quê ăn Tết đã bị trộm vào lấy sạch của cải nên chúng tôi rất lo lắng. Người thân thì không thể nhờ nên gia đình phải tìm đến dịch vụ bảo vệ”, chị Phương nói.

Gọi điện đến vài công ty rao tin có dịch vụ giữ nhà dịp Tết, họ đều báo giá từ 500.000 – 2 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, sau khi khảo sát ngôi nhà thì các công ty bảo vệ đều báo giá từ 2,2 – 2,8 triệu đồng/ngày do an ninh khu vực nhà chị Phương khá kém.

“Nếu ký hợp đồng thuê bảo vệ trong 8 ngày Tết, chúng tôi sẽ mất khoảng 20 triệu đồng. Gia đình đang tìm cách khác nhưng các công ty đều nói, sau ngày 20 âm lịch mà không ký hợp đồng thì có trả giá cao cũng không còn”, chị Phương nói.

Là nạn nhân của bọn trộm trong dịp Tết hai năm trước nên năm nay, anh Bùi Đức Bình ở khu dân cư Him Lam, quận 7 đã ký hợp đồng thuê bảo vệ để gia đình đi du lịch Hàn Quốc.

“Đỏ mắt” tìm người giữ nhà dịp Tết - 1

Nhu cầu tìm người giữ nhà dịp Tết đang tăng cao

“Khi đó, khu dân cư này còn ít người sinh sống. Bọn trộm đưa cả xe tải đến nhà dọn hết ti vi, tủ lạnh, xe gắn máy… Năm nay, từ Tết dương lịch tôi đã ký hợp đồng thuê bảo vệ với giá 1,5 triệu đồng/ngày. Dù có chút tốn kém nhưng cả nhà đi chơi sẽ an tâm hơn”, anh Bình nói.

Nắm bắt được nhu cầu cần người giữ nhà dịp Tết, nhiều công ty bảo vệ đã khởi động dịch vụ này. Không chỉ trông coi nhà cửa, tài sản của chủ nhà mà bảo vệ còn kiêm luôn việc chăm sóc vật nuôi, cây cảnh.

Theo anh Trần Minh Vương, Giám đốc một công ty bảo vệ ở quận 5, trước khi ký hợp đồng chính thức, các công ty sẽ đến nhà khách hàng để khảo sát. Tùy từng ngôi nhà và yêu cầu cụ thể của gia chủ mà có mức giá khác nhau.

“Nhà càng rộng, càng nhiều đồ đắt tiền, chủ nhà sử dụng nhiều dịch vụ thì mức giá càng cao. Tất cả tài sản khi được giao nhận sẽ phải dán niêm phong, kiểm đếm số lượng chi tiết tài sản có giá trị và quay phim lại để làm bằng chứng”, anh Vương nói.

Anh Vương cho biết thêm, các công ty cung cấp dịch vụ trông nhà có hai hình thức. Thứ nhất là bảo vệ vòng ngoài. Chủ nhà sẽ khóa cửa, niêm phong đồ đạc bên trong. Nhân viên bảo vệ ở ngoài sân và có trách nhiệm gìn giữ căn nhà theo nguyên tắc nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Thứ hai là bảo vệ vòng trong. Lúc đó, bảo vệ ở trong nhà nhưng không được phép sử dụng bất kỳ thiết bị nào của gia chủ. Bảo vệ cũng không được phép tiếp khách hoặc người quen đến gần nhà, phải đảm bảo tài sản không để mất mát, xử lý các sự cố. Hàng ngày phải ghi nhật ký an ninh.

Tùy theo yêu cầu của khánh hàng, nhiều công ty còn cung cấp dịch vụ giám sát từ xa qua điện thoại, máy tính kết nối với camera tại nhà. Phần các công ty sẽ có bảo hiểm tài sản cho khách hàng nếu xảy ra mất mát. Nếu gia chủ yêu cầu, bảo vệ còn kiêm luôn dịch vụ cúng giao thừa.

“Hiện tại, công ty đã nhận được hơn 70 hợp đồng của khách hàng. Các công ty bảo vệ khác cũng rất đắt hàng. Thông thường, khách hàng phải ký hợp đồng trước 20 ngày để chúng tôi bố trí người thích hợp”, anh Vương nói.

Bên cạnh các công ty bảo vệ, nhiều người cũng tự đăng tin trên Facebook hoặc các trang rao vặt để nhận trông nhà dịp Tết. Hầu hết những người này đều là nam, ai cũng công khai chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe. 

Một số người còn tự giới thiệu là sinh viên, bộ đội xuất ngũ hoặc có kinh nghiệm trong công việc bảo vệ. Mức lương của những người này thường rẻ hơn, chỉ từ 300 – 700.000 đồng/ngày.

Để chủ nhà tin tưởng, nhiều người phải nộp các loại giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu của gia đình của mình khi ký hợp đồng.

Cung không đủ cầu

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM cho biết, năm nay có gần 3.00 đầu việc của 156 đơn vị nhờ trung tâm tìm người. Hiện tại, trung tâm đã giới thiệu gần 1.500 sinh viên đi làm.

“Đỏ mắt” tìm người giữ nhà dịp Tết - 2

Các công ty bảo vệ phải sàng lọc kỹ nhân viên rồi mới giao việc bảo vệ nhà dịp Tết

“Ngoài gói quà, bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ thì giúp việc nhà, giữ nhà dịp Tết được nhiều đơn vị đặt hàng. Trong đó, sinh viên giúp việc nhà rất đắt hàng. Các chủ nhà trả từ 70 – 90 ngàn đồng/giờ”, anh Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, năm nay nghỉ Tết dài ngày nên rất nhiều gia đình về quê hoặc đi du lịch. Vì vậy, nhu cầu tìm người giữ nhà dịp Tết tăng rất cao.

“Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều công ty bảo vệ đã ngưng ký hợp đồng với khách hàng vì kiếm không ra nhân viên”, ông Tuấn nói.

Lý giải về việc cung không đủ cầu, anh Trần Minh Vương cho biết, để ký hợp đồng giữ nhà dịp Tết, công ty phải lên kế hoạch kiểm tra, sàng lọc kỹ lý lịch, mối quan hệ của từng bảo vệ được giao việc. Nếu không may chọn phải nhân viên cấu kết với kẻ gian trộm đồ của khách hàng thì phải đền bù tiền tỉ.

“Công ty phải uy tín thì mới giữ được khách hàng. Giá dịch vụ cao là do ngày Tết lương bảo vệ gấp 3 ngày thường theo Luật lao động. Thêm nữa vì tính rủi ro, đảm bảo đền bù nếu xảy ra sự cố”, ông Vương nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Duy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN