DN kiến nghị Bí thư Thăng dẹp nạn “xe dù, bến cóc”
Mới đây, 12 đơn vị vận tải đã gửi đơn kiến nghị lên Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan điều tra, xử lý nạn "xe dù, bến cóc" trên địa bàn.
"Xe dù, bến cóc" như một thách thức ở những thành phố lớn (Ảnh minh họa)
Chiều 17/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của các doanh nghiệp.
Theo đó, ông Cường chỉ đạo thanh tra giao thông rà soát lại tình hình, đồng thời xem xét các kiến nghị về bổ sung Thông tư 63 và Nghị định 86 để tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.
“Chúng tôi rất cầu thị và biết rằng đây là vấn đề tồn tại hàng chục năm. Đầu tuần tới, Sở GTVT sẽ mời các doanh nghiệp lên để đối thoại” – ông Cường nói.
Theo các doanh nghiệp này, nạn “xe dù, bến cóc” đã và đang tồn tại ở TP. Hồ Chí Minh hơn 30 năm nay, ngày càng mở rộng và diễn biến phức tạp.
Việc này đã làm thất thu thuế cho ngân sách thành phố (thuế VAT bán vé cho hành khách, thuế thu nhập của doanh nghiệp vận tải trá hình, thuế thu nhập doanh nghiệp của các bến xe liên tỉnh từ nguồn thu giá dịch vụ qua bến của các xe trá hình khi vào bến); Tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng giữa đơn vị làm ăn chân chính và các đơn vị hoạt động trá hình, bến lậu; Phá vỡ trật tự vận tải, gây tổn hại đến các chính sách của Nhà nước.
Các doanh nghiệp chân chính kiến nghị Bí thư Thăng cho rà soát lại tất cả bến xe khách lậu, bãi đỗ xe ở TP. Hồ Chí Minh, xử lý nghiêm các bến sai phép; Kiến nghị Sở GTVT sớm công bố điểm dừng, đón trả khách các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định trên địa bàn thành phố;
Lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm các trường hợp đón, trả khách “lậu”; Thường xuyên rà soát dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GPS) của các xe hợp đồng, xe du lịch trá hình, thường xuyên lập đi lập lại trên một hành trình cố định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bí thư Thăng chỉ đạo các cơ quan liên quan có ý kiến với Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung Nghị định 86 và Thông tư 63 nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và bỏ cơ chế xin – cho “nốt tài” để tránh tiêu cực.
Việc này sẽ tạo điều kiện cho xe hợp đồng và xe du lịch trá hình vào bến xe hoạt động. Đồng thời dẹp bỏ hiện tượng thu gom hành khách lẻ, bán vé, thu tiền xác nhận đặt chỗ cho hành khách dưới mọi hình thức.
Các doanh nghiệp tin tưởng bởi qua thực tiễn tháng 2/2016, chỉ cần một tin nhắn của Bí thư Thăng, xe khách trá hình ở các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Lê Thị Hồng Gấm, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão đã bị vỡ tổ. Họ rất mong Bí thư quan tâm giải quyết, nhằm trả lại sự cạnh tranh công bằng, lập lại trật tự vận tải ở TP. Hồ Chí Minh.