Đánh thuế căn nhà thứ 2: Nhiều doanh nghiệp bất động sản ủng hộ

Đánh thuế từ ngôi nhà thứ hai trở đi dù mới là đề xuất của Bộ Tài chính nhưng được nhiều doanh nghiệp ủng hộ, dù sắc thuế này nếu áp dụng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới thị trường bất động sản.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng bày tỏ quan điểm ủng hộ nếu đánh thuế những người sở hữu nhiều bất động sản.

Đánh thuế căn nhà thứ 2: Nhiều doanh nghiệp bất động sản ủng hộ - 1

Doanh nghiệp bất động sản khá ủng hộ việc đánh thuế sở hữu nhiều bất động sản dù có ảnh hưởng tới thị trường.

Ông cho rằng, đó sẽ là sắc thuế cực kỳ quan trọng và nó sẽ thay thế nhiều sắc thuế khác mà tương lai chúng ta sẽ bỏ. Song, đề xuất sắc thuế mới này phải có lộ trình, vận động tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp hiểu và chia sẻ với nhà nước về sắc thuế này để cùng xây dựng thực hiện.

“Thị trường bất động sản của Việt Nam còn mới, trong quá trình hình thành và phát triển cần liên tục điều chỉnh làm sao cho phù hợp, không quá cầu toàn nhưng phải có định hướng chiến lược thu thuế rõ ràng. Về lâu dài, kinh doanh có lời, mua đi bán lại thì phải đóng thuế, mua được ngôi nhà thứ hai có nghĩa là họ đã có điều kiện kinh doanh đầu tư thì cần nộp thuế là rất công bằng, không có gì bất cập cả. Từ đó trong tương lai cả người dân và doanh nghiệp nhận thức dần thì tăng thuế lên và cũng cần có lộ trình tăng”, ông Điệp nói.

Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng, việc áp dụng sắc thuế này sẽ đụng đến giá thành bất động sản khi đầu vào của nhà đầu tư phải hạch toán thêm phần thuế nên nếu như trước đây mỗi căn hộ nhà đầu tư có thể lời lãi 50 triệu đồng thì nếu đánh thuế thì căn hộ đó chỉ còn lời khoảng 30-40 triệu đồng.

Trước vấn đề có lo ngại dòng tiền đầu tư vào bất động sản sẽ chuyển hướng sang các lĩnh vực khác? Ông Điệp cho rằng, có ảnh hưởng nhưng nhỏ lẻ, không ảnh hưởng toàn diện lên thị trường bất động sản và chỉ  mất vài năm sau khi việc áp dụng đã vào guồng thì thị trường sẽ hoạt động ổn định không có vấn đề gì cả. Hiện bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, bền vững, chắc chắn nhất so với các kênh đầu tư khác.

Còn ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho hay, chuyện đánh thuế này có ý tưởng từ lâu rồi nhưng chưa thực hiện được vì nhiều yếu tố như do chúng ta chưa có hệ thống liên thông các sổ đỏ trên toàn quốc hay một số sức ép của chuyên gia bất động sản cũng không muốn đánh thuế ngôi nhà thứ hai vì sợ ảnh hưởng đến thị trường…

“Việc đánh thuế này chỉ ảnh hưởng đến người giàu, còn người nghèo thì không bị ảnh hưởng. Tôi ủng hộ đề xuất này bởi thị trường bất động sản đang phát triển nóng, nhiều căn hộ cao cấp, có giá cả triệu đô được nhiều doanh nghiệp tập trung làm trong khi nhà giá thấp thì ít”, ông Đực nói.

Cũng theo vị Phó giám đốc này, nếu áp dụng sắc thuế này thì đây là một trong những biện pháp thu thêm thuế cho nhà nước và sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, làm cho sức mua giảm đi.

Tuy nhiên, ông Đực cho rằng, sẽ lại có nhiều cái lợi như dòng tiền của xã hội sẽ không quá tập trung vào bất động sản mà chuyển đều sang những phân khúc đầu tư khác. Đồng thời, sắc thuế này cũng có thể khiến cho giá nhà giảm xuống; người nghèo, thu nhập trung bình có nhiều cơ hội mua nhà hơn.

“Ai có tiền cũng ham đầu tư bất động sản để đó rồi chờ cơ hội tăng giá bán hoặc cho thuê, ai cũng mua nhà đầu cơ thì dòng tiền bị chảy vào đó, không có lợi cho phát triển nền kinh tế nói chung. Làm gì cũng có mặt trái và cần hoàn thiện dần pháp lý để thực hiện. Không phải cứ làm luật này là một năm sau nó tốt mà có thể vài năm sau mới có hiệu ứng tốt”, ông Đực nói thêm.

Vì thế, theo ông Đực, thực hiện đánh thuế sẽ hạn chế được đầu cơ bất động sản. Thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng khoảng 5-10%, nhất là bất động sản cao cấp. Nhưng việc ảnh hưởng này không chỉ xấu mà còn tốt vì hạn chế được nguồn cung, đầu cơ, chuyển dòng tiền sang những kênh đầu tư, kinh doanh sản xuất khác,  mà không còn chuyện ào ạt đổ tiền vào bất động sản nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN