Dân vùng biên An Giang chuyển sang trồng đậu bắp Nhật
Đậu bắp được Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu ký hợp đồng bao tiêu với giá từ 4.200- 7.000 đồng/kg để xuất sang Nhật Bản.
Gần 5 năm nay, bà con nông dân ở các xã vùng biên giới giáp với Campuchia là Khánh Bình, Khánh An, Phước Hưng của huyện An Phú, tỉnh An Giang đã chuyển từ cây lúa sang trồng đậu bắp nguyên liệu để xuất khẩu sang Nhật. Đậu bắp được Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu ký hợp đồng bao tiêu với giá từ 4.200-7.000 đồng/kg.
Nông dân vùng biên giới An Giang trồng đậu bắp Nhật thu nhập gấp 2-3 lần so với cây lúa
“Một ha đậu bắp giống Nhật sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/đợt. Một năm, nông dân canh tác được 2 vụ nên lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với cây lúa”- bà Phan Thị Cẩm, một hộ hiện có 3 ha đậu bắp, cho biết.
Đậu bắp giống Nhật thích nghi với thổ nhưỡng ở vùng biên tỉnh An Giang
Anh Lê Minh Chọn, nhân viên thu mua của Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu, cho biết do thấy thổ nhưỡng vùng biên phù hợp với cây đậu bắp Nhật nên công ty mở vùng nguyên liệu khoảng 75 ha ở đây. Trong đó, riêng xã Khánh Bình có diện tích lớn nhất, gần 30 ha. Với vùng nguyên liệu này, mỗi ngày công ty thu mua từ 12-15 tấn đậu bắp, chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Mỗi ngày, nông dân vùng biên cung cấp từ 12-15 tấn đậu bắp Nhật
Trò chuyện với ông Lê Văn Cường (cán bộ Hội Nông dân xã Khánh Bình), người có gần 1 ha canh tác đậu bắp nguyên liệu, chúng tôi được biết nhờ có hợp đồng bao tiêu nên giá đậu bắp không bấp bênh như những hoa màu khác. Hơn nữa, cây đậu bắp rất dễ canh tác, có kỹ thuật viên của công ty hướng dẫn nên nông dân không sợ bị thua lỗ. Quy trình sản xuất đậu bắp cũng rất khắc khe, sản phẩm phải bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Quá trình phối hợp làm ăn giữa công ty và nông dân mấy năm nay rất tốt. Hy vọng với cây đậu bắp Nhật, nông dân ở đây được “ăn chắc mặc bền” và chuyển dần từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất lớn, tập trung” - ông Cường nói.