Dần thoát khỏi nền kinh tế xuất khẩu “đào”

Sự kiện: Kinh Doanh

Tính tới cuối năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt mốc gần 176 tỷ USD, nhập khẩu đạt 173 tỷ USD...

Dần thoát khỏi nền kinh tế xuất khẩu “đào” - 1

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Tính tới cuối năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt mốc gần 176 tỷ USD, nhập khẩu đạt 173 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, ngược với mức nhập siêu 3,55 tỷ USD của năm trước. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu sau nhiều năm thường xuyên nhập siêu. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

Trước hết khi nói đến xuất nhập khẩu phải tính cả các sản phẩm vật chất (hàng hóa) và dịch vụ. Số liệu của cơ quan Hải quan hoặc Bộ Công thương thường chỉ là xuất nhập khẩu hàng hóa và chưa phản ánh thực chất tình hình. Nếu muốn xem có đáng mừng thật hay không thì phải xem xuất khẩu cái gì? Ở khu vực nào, doanh nghiệp nội hay Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?

Xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt khoảng 183,5 tỷ USD, tăng khoảng 6-7% so với năm 2016; nhập khẩu khoảng 190 tỷ USD, tăng khoảng 10%. Nhập siêu ước khoảng 6,5 tỷ USD; so với kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu sẽ duy trì ở mức khoảng 3,5%.

Nguồn: Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Các mặt hàng chúng ta xuất khẩu chủ yếu là điện thoại, linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… Đây cũng là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam năm vừa qua, lên tới cả vài chục tỷ USD.

Như vậy có thể thấy, xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng khối FDI sản xuất (chiếm tỷ lệ 70%) và những mặt hàng này dựa vào nguồn lao động rẻ, mang nặng tính gia công, lắp ráp là chủ yếu, hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm rất thấp. Nói cách khác, xuất khẩu những sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dường như là xuất khẩu “hộ” nước khác. Nếu chấp nhận là đất nước “làm thuê” thì đó cũng có thể là tín hiệu đáng mừng!

Vậy theo ông, có điểm sáng nào trong bức tranh xuất khẩu năm 2016?

Việc tăng mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thuỷ sản (chỉ trừ mặt hàng gạo giảm), giảm dần xuất khẩu “đào” từ tài nguyên thiên nhiên lên bán như dầu thô, than đá… theo tôi, là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu năm qua.Vì sao lại đáng mừng? Vì chúng ta đang đi vào thế mạnh của mình và đáng mừng hơn nữa là đã lâu lắm rồi một số thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng đã được hiện thực hóa.

Tôi thấy cần tập trung cấu trúc lại theo hướng dựa vào thế mạnh Việt Nam đang có, đừng quá chú trọng vào việc chúng ta xuất khẩu được bao nhiêu tỷ USD mà quên đi hiệu quả thực chất.

Dần thoát khỏi nền kinh tế xuất khẩu “đào” - 2

Các mặt hàng nông nghiệp, thuỷ sản xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2016 (Trong ảnh: Công nhân CTCP Thực phẩm Sài Gòn, KCN Long Hậu, Long An sản xuất nem tôm xuất khẩu) - Ảnh: Lã Anh

Ông có nhận định thế nào về cán cân thương mại năm tới trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động, bản thân nội lực nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn?

Tôi rất hoan nghênh những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong điều hành nền kinh tế sản xuất với định hướng không vì tăng trưởng mà bất chấp xuất khẩu ồ ạt. Tôi kỳ vọng những hướng đi này sẽ có tác động tốt đến nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Còn về nền kinh tế thế giới, mà rõ nhất là việc Mỹ có Tổng thống mới với lo ngại có thể làm thay đổi trong chính sách thương mại đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp đó, tôi cho rằng nếu chúng ta chuẩn bị tốt, có kịch bản ứng phó thì sẽ hạn chế được những tác động xấu.

Nhiều lo ngại việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, thuế suất về 0% mà hàng rào bảo vệ chúng ta không chặt chẽ thì hàng ngoại sẽ tiếp tục gia tăng. Nhưng thực tế trong suốt 20 năm nay nhập khẩu chủ yếu của ta đều dành cho sản xuất (chiếm tới trên 90%). Điều đó cho thấy, dù hàng hóa mang nhãn mác Việt Nam chỉ là hình thức bề ngoài còn thực chất là hàng nhập khẩu. Vấn đề là Việt Nam phải có được những sản phẩm phụ trợ làm đầu vào cho quá trình sản xuất. Chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề này nhưng dường như một số chính sách lại chưa cho thấy có sự chuyển biến.

Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để tăng trưởng xuất khẩu theo hướng thực chất và có lợi nhất cho nền kinh tế?

Điều quan trọng đối với nền kinh tế bây giờ là phải thực hiện mạnh mẽ và thực chất quá trình cấu trúc lại nền kinh tế. Chuyển đổi tập trung sang phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp và dịch vụ thay vì quá chú trọng vào phát triển công nghiệp khai thác và chế biến chế tạo.

Dịch vụ thì rất nhiều mà trong đó tôi muốn nhấn mạnh đến ngành du lịch. Chúng ta có thế mạnh về du lịch nhưng chưa khai thác được nhiều. Nói chung muốn phát triển được phải khai thác tận dụng vào thế mạnh của mình.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân - Duy Đăng (Báo giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN