Dân nghèo sập bẫy Công ty đa cấp Thăng Long
Chỉ vì tin vào những chiêu tư vấn làm giàu "ngon ăn", nhiều người dân nghèo sập bẫy Công ty đa cấp Thăng Long...
Một thanh niên dân tộc (bên phải) bị mất 10 triệu đồng vì tham gia bán hàng đa cấp - Ảnh: Doãn Công
Chỉ vì tin vào những chiêu tư vấn làm giàu "ngon ăn", nhiều người dân nghèo đã sập bẫy Công ty đa cấp Thăng Long. Không chỉ đối diện nguy cơ mất trắng số tiền hàng chục triệu đồng, có người còn bị biến thành con nợ của đa cấp.
Kỳ 1: Nạn nhân lên tiếng
Thời gian qua, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh từ người dân tố Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (đa cấp Thăng Long) lừa đảo dưới hình thức bán hàng đa cấp.
Không trả hàng, cũng không trả tiền?
Cả đời làm ruộng, bà Q., một nông dân tại Phổ Yên (Thái Nguyên) tích cóp được hơn chục triệu đồng, tính để dưỡng già. Thế nhưng khi có người bạn rủ “lên phố” tham gia cơ hội làm giàu, bà Q. cũng cả nể nghe theo. Khi đến chi nhánh Công ty đa cấp Thăng Long tại TP Thái Nguyên, bà Q. bị choáng ngợp bởi cảnh người ra vào nườm nượp, những tiếng hô hào nhận tiền tỉ, những chiêu tư vấn làm giàu “ngon ăn”. “Họ nói với tôi rằng, không phải làm gì, chỉ cần tham gia gói 31 triệu đồng sẽ được hưởng 146 triệu đồng... Thấy bảo có người 1 tháng, thậm chí mấy hôm sau đã được lĩnh tiền”, bà Q. nhớ lại.
Không đủ tiền, bà Q. cắn răng giấu chồng con đi vay lãi một nửa số tiền để đóng cho đủ gói 31 triệu đồng. Hợp đồng ký từ tháng 4/2015 song tới nay, bà Q. vẫn chưa nhận bất cứ sản phẩm nào từ phía đa cấp Thăng Long. “Hàng được phát thì mình không cần, còn sản phẩm mình muốn dùng thì lại phải trả thêm tiền, mà vét sạch của nả rồi lấy đâu trả nữa nên tôi không nhận hàng”, bà Q. bức xúc.
Cục cảnh sát kinh tế vào cuộc Đại tá Bùi Văn Hà, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) cho biết, cơ quan này đang phối hợp với phòng ban chức năng của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tiến hành thanh, kiểm tra 7 công ty bán hàng đa cấp, trong đó có Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long. Cũng theo ông Hà, việc thanh tra lần này bắt nguồn từ việc phía cơ quan chức năng nhận thấy thị trường kinh doanh đa cấp đang xuất hiện nhiều vấn đề nên phải rà soát lại để chấn chỉnh. |
Chỉ tới khi xuất hiện nhiều thông tin cảnh báo bẫy đa cấp trên báo đài, bà Q. mới ngớ người ra rằng mình cũng đang là nạn nhân. Tháng 12/2015, bà Q. làm đơn đề nghị Công ty đa cấp Thăng Long thanh lý hợp đồng, trả lại tiền đã đóng. Tuy nhiên, tới nay bà vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào. “Đơn cũng đã gửi nhưng bặt âm, tiền vay lãi thì vẫn phải khất lần, cũng chẳng biết lấy gì để bù lại. Làm thế nào để đòi được tiền bây giờ hả giời?”, bà Q. nói trong tuyệt vọng.
Cũng như bà Q., nhiều người dân trót tham gia mua hàng của đa cấp Thăng Long đã làm đơn yêu cầu cầu trả lại hàng, đều không được giải quyết thỏa đáng. Mới đây, do quá bức xúc, ông Nguyễn Văn Tần (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đã làm đơn tố cáo Giám đốc Công ty đa cấp Thăng Long lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Theo đơn, ông Tần cho biết, ngày 1/6/2015 đã tham gia bán hàng đa cấp của Thăng Long với tổng số tiền hơn 342 triệu đồng. Với hợp đồng này, ông Tần mới chỉ được lấy 6 hộp thực phẩm chức năng, số hàng còn lại vẫn ở kho của công ty này.
3 tháng sau, không nhận được số tiền hoa hồng như hứa hẹn, ông Tần đã có đơn đề nghị thanh lý hợp đồng với Công ty đa cấp Thăng Long, yêu cầu lấy lại tiền nhưng không được chấp thuận. Theo đó, phía công ty lấy lý do quá 30 ngày kể từ ngày người tham gia nhận hàng. Khi ông Tần đề nghị chịu lỗ 20% số tiền 342 triệu đồng để được “thoát” nhưng công ty lại đòi ông phải chịu chi trả 70%.
Bà Thanh - một nạn nhân của bán hàng đa cấp lo lắng nếu không đòi được tiền từ công ty đa cấp thì chồng bắt ký vào đơn ly dị - Ảnh: Thuận Phong
Nạn nhân biến thành con nợ của đa cấp
“Cho đến thời điểm này, gia đình tôi chưa biết làm thế nào để thoát ra khỏi cái “bẫy đa cấp” và “bẫy vay tiền lãi suất cao” khi bố tôi tham gia hệ thống bán hàng của Công ty đa cấp Thăng Long”, chị L. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
Theo lời kể, tháng 9/2015, ông S. (bố chị L.) bị 2 người bạn thuyết phục tham gia chương trình khuyến mại giờ vàng của Công ty đa cấp Thăng Long (Chi nhánh tại TP Bắc Ninh). Theo đó, muốn trở thành thành viên chính thức của công ty, người tham gia phải nhanh chóng đặt cọc 500.000 đồng để lấy chỗ. Vì cả nể nên ông S. đã đồng ý đặt cọc khoản tiền này. Sau khi về nhà, ông S. liên tục được các thành viên trong hệ thống bán hàng đa cấp của Công ty Thăng Long yêu cầu đóng số tiền 46 triệu đồng để trở thành nhà phân phối chính thức.
Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Bán hàng đa cấp từ 26/12/2014. Theo tìm hiểu, tới nay công ty đã có gần 30 chi nhánh trên các tỉnh, thành cả nước với khoảng 6.000 nhân viên trực tiếp bán hàng. |
Sau nhiều lần mời bị ông S. từ chối vì không có tiền, ngày 20/9/2015, thành viên bán hàng đa cấp tên Nga nói có tiền cho ông S. vay để tham gia. Ngay sau khi ông S. đồng ý, bà Nga rút ra 4 triệu đồng đưa cho ông và bảo mấy hôm nữa lên lấy thêm máy lọc nước của công ty. Số tiền còn lại bà Nga đưa trực tiếp cho người tên Ánh (kế toán của Công ty đa cấp Thăng Long tại Bắc Ninh). Sau đó, bà Nga yêu cầu ông S. viết xác nhận vay nợ với số tiền là 50 triệu đồng.
Kết thúc quá trình giao dịch, ông S. nhanh chóng nhận được 1 bản hợp đồng, 2 phiếu thu tiền và 5 phiếu lấy hàng. Trong đó, bản hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp ông S. nhận được, có sẵn chữ ký và con dấu của giám đốc Công ty đa cấp Thăng Long.
Mấy ngày sau, ông S. quay lại công ty để tìm hiểu sự việc và hỏi việc lấy máy lọc nước như trong các giấy tờ được cung cấp nhưng các nhân viên nói là không có sản phẩm này. Cảm thấy không bình thường, ông S. tìm hiểu kỹ hợp đồng không có những điều khoản về số tiền, mã hàng... và đã quyết định không tham gia hoạt động bán hàng đa cấp trên. Ngày 10/10/2015, ông S. tới văn phòng Công ty đa cấp Thăng Long để yêu cầu dừng hợp đồng nhưng không được đại diện phía công ty hồi đáp. Từ đó tới nay, ông S. liên tục liên hệ với Công ty Thăng Long để yêu cầu chấm dứt hợp đồng và hoàn lại tiền nhưng đều bị từ chối. Cũng thời gian này, phía công ty liên tục gửi giấy yêu cầu ông S. tới nhận hàng.
Tính cho tới thời điểm hiện tại, ông S. chưa nhận bất kỳ sản phẩm nào cũng như hoa hồng của Công ty đa cấp Thăng Long. Trong khi đó, ông liên tục bị bà Nga đe dọa, yêu cầu trả số tiền lãi hàng tháng từ khoản 50 triệu đồng vay để tham gia vào doanh nghiệp này.
“Từ một người bị hại hiện nay bố tôi lại bị chính đường dây bán hàng đa cấp tố cáo đã vay tiền mà không trả, chị L. bức xúc.
(Còn tiếp...)