Cục Chăn nuôi: Đừng mơ lợn hơi quay về giá 45-50.000 đồng/kg như trước
“Trong thời kỳ hội nhập thế giới, chúng ta mong giá lợn hơi quay về 45-50 như ngày xưa thì đấy chỉ là mơ ước”, ông Dương nói.
Tại hội thảo Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị diễn ra ngày 12/12, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Sau 20 năm hội nhập, năng suất chăn nuôi của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, ngành chăn nuôi lợn lại rơi vào điểm nghẽn dư thừa nguồn cung như đầu năm 2017.
Cả hệ thống chính trị đã cùng chung tay chia sẻ khó khăn giúp người chăn nuôi. Giá lợn hơi tăng từ 20.000 lên 27.000 đồng/kg, góp phần giảm thiệt hại 3.000 tỷ cho người nông dân.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Nguyên nhân chính là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường. Trước đây, khi giá lợn tăng, người người đổ đi chăn nuôi, nhà nhà chăn nuôi, chăn nuôi theo tâm lý đám đông. Chăn nuôi hàng hóa nhưng không biết bán cho ai, thị trường nào, phân khúc nào”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Hơn một năm qua, giá lợn liên tục giảm, người chăn nuôi không có lãi. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, bất cập chính là khâu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Nếu không nhanh tổ chức xây dựng các chuỗi liên kết thì chúng ta sẽ lặp lại tình trạng giải cứu liên tục, hôm nay có thể giải cứu lợn, mai có thể là gà, bò.
Theo ông Dương, trong thời hội nhập, giá lợn vẫn duy trì ở mức 40.000 đồng/kg thì không thể cạnh tranh được.
“Trong thời kỳ hội nhập thế giới, chúng ta mong giá lợn hơi quay về 45-50 như ngày xưa thì đấy chỉ là mơ ước”, ông Dương nói.
Ông Vinod Ahuja, Chuyên gia chính sách của FAO khu vực châu Á, Thái Bình Dương cho biết, khủng hoảng giá với thịt lợn đã gây ra hệ lụy lớn tới các nông hộ nhỏ lẻ. Làm thế nào để bảo vệ người nông dân trước các cú sốc thị trường là một câu hỏi khó.
Theo ông, Việt Nam đang ở ngã ba đường, muốn xuất khẩu chăn nuôi thì vấn đề bền vững là rất quan trọng.
Quan trọng nhất phải có các quy định cụ thể về luật hợp đồng, cân nhắc các quy định bảo vệ người nông dân khi thị trường có nhiều khó khăn. Hơn nữa, người nông dân phải được tham gia vào quá trình cung cấp thông tin, ra quyết định.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang sửa chiến lược chăn nuôi theo hướng phát triển chuỗi.
"Hô khẩu hiệu chưa đủ, phải có chính sách hỗ trợ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã để dẫn dắt nông hộ đi vào thị trường. Dựa trên các ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi các chính sách, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Việc xây dựng liên kết chuỗi sẽ giúp chúng ta cải thiện dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phân biệt rõ ràng những khâu yếu kém, giải quyết vấn đề cung cầu. Giải quyết được điểm nghẽn này, sẽ tạo ra trật tự mới cho ngành chăn nuôi”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết.