Củ cải, rau… nhổ bỏ: Vì sao?

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc liên tục phải giải cứu nông sản cho thấy Việt Nam giỏi sản xuất nhưng lại quá kém khâu thị trường, kết nối cung cầu.

Sau những cuộc giải cứu dưa hấu, thịt heo, bí đỏ, cà chua…, mới đây Bộ NN&PTNT lại phải lên tiếng kêu gọi chung tay mua củ cải, su hào nhằm giảm thiệt hại cho nông dân ở Hà Nội và Hải Dương. Điệp khúc buồn giải cứu nông sản sẽ còn tái diễn bởi giải cứu chỉ là giải pháp tạm thời.

Củ cải, rau… nhổ bỏ: Vì sao? - 1

Nông dân đổ bỏ, người dùng mua giá cao

Lý giải về chuyện su hào, củ cải thối rữa trắng đồng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn cung dư thừa, nông dân buộc phải nhổ bỏ để giải phóng đất, tiếp tục trồng các loại rau khác.

“Cục Trồng trọt đã đề xuất một số giải pháp lên bộ trưởng NN&PTNT, trong đó có hình thức kêu gọi các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm rau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị trên cả nước cùng nhiều nhóm thiện nguyện đang thu mua và phân phối rau củ quả dư thừa cho người dân một số địa phương trên” - ông Sơn chia sẻ.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận tình trạng rau củ quả rớt giá ở nhiều địa phương có nhiều lý do. “Năm nào vào thời điểm này giá rau củ cũng có 1-2 tuần đi xuống. Thậm chí có năm cà chua bỏ không trên ruộng, dân không thu hoạch hoặc su hào, bắp cải cũng có hiện tượng chặt vứt trên ruộng làm phân xanh. Chuyện này gần như thành quy luật” - ông Sơn chia sẻ thêm với báo chí.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng nguyên nhân đầu tiên vẫn là nông sản tắc đầu ra, nông dân mặc sức trồng, mặc sức nuôi theo phong trào nhưng không quan tâm sau này bán cho ai. Nhiều nông sản quy hoạch cho từng ngành nhưng vẫn xảy ra tình trạng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch.

“Nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường và đôi khi phớt lờ khuyến cáo của các cơ quan chức năng” - TS Mai nêu thực tế.

Nghịch lý là củ cải phải đổ bỏ nhưng giá tại các chợ ngay tại Hà Nội vẫn cao ngất ngưởng. Đơn cử giá củ cải bán tại ruộng chỉ 500 đồng/kg, thậm chí không ai thèm mua thì trên thị trường vẫn bán với giá 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại. Điều này có nghĩa nông dân khốn khổ vì giá bèo bọt, trong khi người dùng vẫn phải mua với giá cao chót vót và hưởng lợi lớn nhất là khâu phân phối.

Lý giải về nghịch lý này, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nhận xét khâu phân phối tiêu thụ hàng hóa trong nước quá yếu kém. Việc hàng nông sản bán rẻ như cho tại ruộng nhưng qua tay thương lái và nhiều đầu cầu, vào siêu thị giá lại tăng vọt là một bất cập.

“Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian. Người dân vì thế thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về nhà kinh doanh, thương lái” - GS Xuân nói.

Củ cải, rau… nhổ bỏ: Vì sao? - 2

Được mùa, rớt giá, bế tắc đầu ra... là vòng luẩn quẩn mà nông dân Việt chưa thoát ra được. Trong ảnh: Củ cải thối rữa trên đồng ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG

Phải giải được bài toán tiêu thụ

Là công ty đang xuất khẩu trái cây sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, cho rằng để tránh việc phải triền miên giải cứu nông sản do dư thừa thì phải giải được bài toán từ gốc là liên kết tiêu thụ giữa nông dân và DN. Khi xây dựng được vùng trồng nguyên liệu, DN sẽ đảm bảo được nguồn cung xuất khẩu, vừa có hàng chất lượng. Trong khi đó nông dân cũng hưởng lợi nhờ ổn định đầu ra, giá cả hợp lý và được hỗ trợ kỹ thuật nên năng suất cao.

“Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún. Qua đó mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác DN xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước” - ông Tùng khẳng định.

Ông Võ Quan Huy, Tổng Giám đốc Công ty Huy Long An, cũng nhìn nhận để sản xuất quy mô lớn thì phải có đầu ra, phải có những hợp đồng dài hạn. Để làm được điều này, ngoài sự tự thân vận động của nông dân và DN rất cần bàn tay của Nhà nước, nhất là về dự báo thị trường, phát triển xúc tiến thương mại. Đặc biệt cần sự đàm phán của cấp nhà nước thì nông sản Việt Nam mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường mới, tăng đầu ra.

“Các bộ, ngành cần thông tin thị trường kịp thời cho các ngành sản xuất nông sản, ngành chăn nuôi. Ví dụ như khi thị trường Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch hay đang dư thừa nguồn cung thì cần thông tin ngay cho các địa phương, các cơ quan báo đài để nông dân biết được mà điều chỉnh sản xuất” - ông Huy kiến nghị.

Tán đồng với quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong hệ thống phân phối. Qua đó tạo điều kiện cho những nhà phân phối và bán lẻ tốt nhất ra đời, làm cầu nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. “Song song đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập mạng lưới phân phối và bán lẻ mang tính quốc tế để phân phối và bán lẻ hàng nông sản Việt Nam” - GS góp ý.

Để điệp khúc buồn giải cứu nông sản không lặp đi lặp lại, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho hay sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên ba trục sản phẩm: Quốc gia, địa phương và “mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Củ cải, rau… nhổ bỏ: Vì sao? - 3

Người dân đang chở củ cải đi đổ bỏ. Ảnh: HĐ

Cụ thể, đối với sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, Bộ sẽ rà soát lại từ việc quy hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách. Đồng thời xác định những DN hạt nhân để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Ở nhóm sản phẩm cấp tỉnh, Bộ với các tỉnh phối hợp xây dựng những vùng nguyên liệu, xác định những đối tượng lợi thế của từng tỉnh. Cuối cùng, ở nhóm sản phẩm vùng miền, gồm những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ sẽ được quy hoạch gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy - Đặng Tuyền (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN