Cơ sở chế biến mắc ca khát… nguyên liệu
Nguồn nguyên liệu mắc ca đang thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Cơ sở chế biến mắc ca chỉ hoạt động cầm chừng mỗi năm vài tháng.
Nhiều lúc dây chuyền chế biến phải ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu
Ba năm trước, anh Đỗ Đình Dũng (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) khởi nghiệp từ lò sấy mắc ca thủ công trị giá chỉ vài triệu đồng với công suất chế biến vài chục ký mắc ca mỗi ngày.
Do đơn đặt hàng ngày càng nhiều, anh quyết định đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại với vốn đầu tư 4 tỷ đồng. Dây chuyền gồm hệ thống thiết bị được đầu tư đồng bộ từ máy cắt vỏ, máy sấy, đóng gói, hệ thống kho lạnh… với công suất chế biến 1 tấn hạt mắc ca thành phẩm mỗi ngày.
Mắc ca rất thích hợp với vùng đất Tây Nguyên
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan dây chuyền chế biến mắc ca của Cty Việt Xanh.
Tuy nhiên vì thiếu nguồn nguyên liệu mắc ca đầu vào nên chỉ khai thác hết công suất trong 3 tháng thu hoạch chính vụ (từ tháng 8 đến tháng 10). Với 3 tháng trái vụ (từ tháng 3 đến tháng 5), chỉ có thể chế biến hơn 500 kg/ngày. Các tháng còn lại thì hoạt động cầm chừng.
Công ty Việt Xanh đã liên kết hỗ trợ canh tác và bao tiêu sản phẩm với khoảng 500 hộ dân ở Lâm Đồng, ngoài ra còn thu mua mắc ca ở các tỉnh khác của Tây Nguyên. Thế nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để chế biến.
Thương hiệu mắc ca của Cty TNHH Việt Xanh do anh Dũng làm giám đốc với các dòng sản phẩm hạt nguyên vỏ tách nứt và hạt nhân sấy được bày bán trong hệ thống siêu thị cao cấp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mắc ca của Việt Xanh chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, cung không đủ cầu.