Cơ hội cho nông nghiệp hữu cơ

Cơn khát thực phẩm sạch của người tiêu dùng đang là cơ hội để Việt Nam có thể quay lại với nền nông nghiệp thân thiện với sự sống như trước kia

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu nông sản sạch” do Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 28-4 ở TP HCM, các diễn giả cho rằng nhiều DN đang đổ tiền vào nông nghiệp hữu cơ (organic) vì đang tìm thấy một cơ hội kinh doanh thực sự. Đây có thể là lối ra cho nông dân Việt Nam vì họ chỉ cần quay lại phương thức canh tác như kiểu truyền thống, không dùng phân thuốc hóa học là có thể chuyển đổi sang organic.

Trả tiền cho nông dân hay bác sĩ?

TS Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn Phú (Cà Mau), sản xuất gạo hữu cơ với thương hiệu Hoasua foods có chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU, cho biết xu hướng tiêu dùng của thế giới từ nhiều năm nay cũng như tương lai là thực phẩm không hóa chất, tốt cho sức khỏe. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, khi ngộ độc thực phẩm và ung thư quá nhiều thì nhiều người mới cuống cuồng đi tìm thực phẩm sạch. Về vấn đề giá nông sản hữu cơ quá cao, gấp 2-4 lần so với thực phẩm thường, ông Khải cho rằng thà trả nhiều tiền cho nông dân làm sản phẩm sạch hơn là để dành tiền sau này trả cho bác sĩ, rồi có những bệnh bán nhà cũng không cứu được.

Cơ hội cho nông nghiệp hữu cơ - 1

Thị trường đang mở ra cơ hội kinh doanh thực sự cho ngành nông nghiệp hữu cơ

Theo ông Lê Thành, Giám đốc Công ty CP Organic Life, có 1.500 ha đất ở Tây Ninh trồng hướng dương hữu cơ và có 1 cửa hàng chuyên bán thực phẩm hữu cơ có chứng nhận, cái khó nhất để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay không phải là thị trường mà là nhân lực. “Việt Nam có nhiều kỹ sư nông nghiệp nhưng họ thích ngồi văn phòng giám sát nông dân hơn là xuống ruộng sản xuất. Nhiều người đang làm hữu cơ hiện nay loay hoay và có trường hợp kiệt sức do đơn độc xây dựng cả chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ” - ông Thành nhận xét.

Vì vậy, nên có sự phân công lại theo hướng chuyên nghiệp hóa từng khâu, người lo sản xuất, người chuyên thị trường và có những cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ có chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện giữa bối cảnh vàng thau lẫn lộn.

Chuyển đổi thuận lợi

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn để chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ vì chúng ta mới phát triển nông nghiệp hóa học từ vài chục năm. Việt Nam vẫn còn nhiều vùng đất chưa xài thuốc, phân bón hóa học nên đi theo hướng nông nghiệp sạch dễ hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Nhật. Hơn nữa, đất đai của nông dân Việt Nam ít, kinh nghiệm lâu đời sản xuất không hóa chất nên nếu tiến lên sản xuất quy mô lớn, tự động hóa hiện đại sẽ không cạnh tranh được với những nước đi trước.

Theo ông Viên, nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho ra sản phẩm tốt mà hướng đến sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cho con người và cả những sinh vật khác. “Nhà sản xuất nên kiên trì giải thích cho người tiêu dùng lý do bán mắc hơn là lén bỏ chất vô cơ vào để hạ giá thành” - ông Viên khuyến nghị.

Bà Ino Mayu, chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, cũng nhận định điều kiện ở Việt Nam rất thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp sạch do khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước thích hợp. Với những vùng đất xấu cũng có thể cải tạo, phục hồi. Nhận xét của bà Ino Mayu dựa vào nhiều năm hỗ trợ nông dân Việt Nam thoát nghèo bền vững nhờ sản xuất nông sản xanh, sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.

Niềm tin người tiêu dùng bị đổ vỡ

Ông Nguyễn Lâm Viên cho biết Vinamit có doanh thu 70% từ xuất khẩu, chỉ 30% từ thị trường nội địa. Thực tế là doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ra thực phẩm theo tiêu chuẩn cao nhất thế giới và được cả những thị trường khó tính nhất chấp nhận nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn không tin tưởng. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng nhìn thấy sản phẩm của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài, họ sẽ thay đổi dần dần. Doanh nghiệp phải đi “đường vòng” nhưng đó cũng là cách lấy lại niềm tin thị trường nội địa đang bị đổ vỡ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN