Chưa vào vụ, Bộ Công thương lo “giải cứu” dưa hấu
Gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước. Vì thế, nhiều lo ngại rằng việc xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang thị trường này sẽ bị ảnh hưởng.
Tại Hội nghị “Bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016” diễn ra ngày 28/12, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tổng sản lượng dưa hấu dự kiến mùa vụ 2015/2016 không biến động nhiều so với mùa vụ 2014/2015, đạt khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó sản lượng vụ Đông - Xuân ước khoảng 550 nghìn tấn.
Ảnh minh họa. TTXVN
Hiện nay, tiêu thụ dưa hấu tại thị trường trong nước khoảng 80% tổng sản lượng thu hoạch của cả nước, còn lại khoảng 20% dành cho xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng dành cho xuất khẩu, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn).
Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu dưa hấu lớn nhất của Trung Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 93-98% tổng lượng dưa hấu nhập khẩu hàng năm của thị trường này. Mỗi năm Trung Quốc nhập từ Việt Nam khoảng 200 ngàn tấn dưa, tăng nhẹ từng năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11 năm 2015, lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc chỉ trên 170 nghìn tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc đã có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước, do đó sẽ tác động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Thực tế trong nhiều năm qua, khi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch dưa hấu vụ Đông-Xuân, Xuân Hè, để tiêu thụ và xuất khẩu, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thường bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh.
Nguyên nhân của tình trạng ùn ứ dưa là do phía Trung Quốc chỉ cho tiếp nhận dưa hấu ở cặp cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài, không cho các cửa khẩu khác.
Vào thời điểm chính vụ thu hoạch dưa hấu có tới 700-800 xe/ngày xếp hàng chờ thông quan, khi cao điểm thậm chí còn hơn 1.200 xe/ngày. Trong khi năng lực tiếp nhận và giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu chỉ đáp ứng tối đa 300 xe/ngày.
Bên cạnh đó, tập quán buôn bán giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, buôn bán tự phát, không có hợp đồng ký trước, doanh nghiệp Việt Nam thường làm thủ tục đưa sang biên giới rồi mới tìm đối tác để bán hàng, do đó không chủ động được quá trình tiêu thụ, bị ép giá.
Cách thức phân loại, lựa chọn và đóng gói hàng hóa giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc không thống nhất, dẫn đến việc đưa hàng hóa lên đến cửa khẩu để giao hàng rồi mới lại dỡ hàng hóa xuống để lựa chọn, đóng gói lại cho đúng yêu cầu của phía bạn.
Để tránh ùn ứ tại cửa khẩu, đại diện Sở Công thương Lạng Sơn kiến nghị cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các cửa khẩu khác ở Lào Cai, Hà Giang để giảm tải cho cửa khẩu Tân Thanh.
Còn Sở Công thương Quảng Nam thì để nghị tập trung giải pháp điều tiết cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng. Cần có sự liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời tập trung quy hoạch ngay từ ban đầu, đưa doanh nghiệp và thương nhân đầu mối về để tập trung thu mua cho bà con.
Để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải thiết lập cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc cập nhật thông tin về sản lượng, tiến độ thu hoạch, số lượng dưa hấu dự kiến để có kế hoạch điều tiết lưu lượng hàng lên các tỉnh biên giới.
Mặt khác, tổ chức tuyên truyền cho thương nhân về việc phân loại, đóng gói, bảo quản phù hợp với yêu cầu của phía nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc; tổ chức đóng gói ngay ở nơi sản xuất hoặc tại một khu vực trung chuyển trong nước trước khi đưa lên biên giới để quá trình giao nhận hàng thực hiện nhanh chóng.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn cần sớm triển khai xây dựng khu trung chuyển hàng nông sản xuất khẩu làm địa điểm tập kết khi lượng xe dồn về quá nhiều vượt quá khả năng thông quan; tạo cơ sơ chuyển hoạt động giao dịch mua bán và các dịch vụ khác từ bên kia biên giới về địa điểm tập kết tại nội địa...