Chiều mai, xăng sẽ tiếp tục giảm giá?
Giá xăng bán lẻ trong nước có cơ hội tiếp tục giảm vào kỳ điều hành dự kiến vào chiều mai (4/8) khi diễn biến giá dầu thế giới liên tục sụt giảm.
Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm từ 20/7 (kỳ điều chỉnh giá gần nhất) đến nay liên tục giảm. Theo tính toán lần điều hành tới, giá bán lẻ có thể giảm gần nghìn đồng/lít.
Cụ thể, giá dầu thế giới tiếp tục có chiều hướng giảm. Các webside trong nước chuyên cập nhật về giá dầu, sáng nay, đồng loạt đưa tin giá dầu thô Mỹ giao tháng 9 giảm xuống còn 39,51USD/thùng, giá dầu Brent xuống còn 43,18USD/thùng trên các sàn giao dịch ở nước này.
Website của Bộ Công Thương cũng công bố giá xăng RON 92 hôm 29/7 tại Singapore (thị trường tham chiếu để Việt Nam lấy giá tính giá bán lẻ trong nước) đã về mức 44,78 đô la Mỹ/thùng. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.
Ở phiên giao dịch ngày những ngày đầu tháng 8, giá dầu thô WTI có xu hướng giả khoảng 3,7% khi sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được dự đoán ở mức cao kỷ lục.
Sự sụt giảm của giá dầu trên thế giới nhìn chung trong 2 tuần vừa qua chắc chắn sẽ tác động đến giá xăng, dầu bán lẻ trong nước. Với diễn biến này, nhiều chuyên gia dự đoán, giá xăng sẽ tiếp tục giảm trong kỳ điều hành giá của liên bộ Công thương - Tài chính tới đây. Từ 20/6 đến nay, giá xăng đã giảm ba lần liên tiếp. Ngày 20/7, giá xăng bán lẻ giảm 660 đồng/lít, về mức 15.300 đồng/lít.
Giá xăng tiếp tục giảm vào chiều mai? Ảnh: TL
Tính đến cuối tuần trước, mức chênh lệch giữa giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu bình quân, thuế, phí…) và giá xăng bán lẻ đã là hơn 600 đồng/lít. Theo tính toán, xăng có thể giảm hơn 600 đồng/lít. Tuy nhiên, cơ hội giảm giá hơn nữa hay không còn tùy thuộc vào mặt hàng này biến động như thế nào ở những phiên còn lại cho đến đầu giờ chiều ngày mai (4/8).
Ở một diễn biến khác, nhiều ý cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong nước vì vai trò khá mờ nhạt, không ít lần cản trở giá xăng dầu hội nhập với thế giới của quỹ này.
Còn nhớ, tại kỳ điều hành ngày 20/7, liên bộ Công thương – tài chính đã chỉ đạo giảm giá xăng và giữ nguyên giá dầu, mức sử dụng Quỹ BOG cũng được điều chỉnh lại. Cụ thể, xăng khoáng giảm sử dụng quỹ từ 426 đồng/lít ở kỳ trước còn 0 đồng/lít; xăng E5 cũng giảm từ 467 đồng/lít còn 0 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 472 đồng/lít còn 51 đồng/lít; dầu hỏa giảm từ 660 đồng/lít về 254 đồng/lít; dầu ma dút cũng giảm chi quỹ từ 151 đồng/kg xuống 136 đồng/kg. Trong khi đó, quỹ này tiếp tục được trích lập 300 đồng/lít đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) qua báo chí cho rằng về mặt khoa học thì Quỹ BOG tỏ ra khá “vô thưởng vô phạt” trong việc bình ổn giá xăng dầu. Theo TS Nguyễn Đức Độ, quỹ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn.
Khi đó, quỹ sẽ giúp giảm cú “sốc” tăng giá xăng, đồng thời cũng giảm áp lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, quỹ cần nguồn dự trữ cực lớn, mà điều này là bất khả thi bởi “lạm thu” quá nhiều trong thời điểm giá dầu thấp để tạo nguồn quỹ “khủng” có thể gây tâm lý không đồng thuận.