Chi 8.500 tỷ nhập trái cây: Mua về không ăn, tái xuất đi Trung Quốc
“Hầu hết các mặt hàng trái cây mà Việt Nam nhập từ các nước khác, đặc biệt từ Thái Lan gần như không tiêu thụ trong nước mà chúng ta xuất đi nước thứ ba, bởi nhu cầu sử dụng trái cây các nước khác rất lớn trong khi cung của chúng ta chưa đủ để đáp ứng”.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho phóng viên Báo NTNN biết như vậy trong cuộc trao đổi ngày 4.7.
“Họ có nhu cầu, chúng ta không thể cấm”
Thanh long là mặt hàng trái cây của Việt Nam được thị trường Thái Lan ưa chuộng. Ảnh: I.T
Theo thống kê sơ bộ của Bộ NNPTNT, 6 tháng qua Việt Nam đã nhập 507 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) mặt hàng trái cây. Trong đó, giá trị trái cây nhập khẩu từ Thái Lan lên tới hơn 8.500 tỷ đồng. Vì sao nước ta - một nước sản xuất trái cây nhiều, có nhiều loại ngon và giá trị cao, lại phải nhập lượng trái cây lớn như vậy, nhất là từ Thái Lan?
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) khẳng định việc nhập khẩu trái cây không ảnh hưởng đến ngành trái cây trong nước. Hiện nay sản xuất và thị trường tiêu thụ trái cây của Việt Nam đang rất tốt, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2017, nhiều mặt hàng trái cây đã tăng trưởng mạnh. |
Lý giải về điều này, ông Hoàng Trung cho rằng: “Trong thời buổi kinh tế thị trường mở cửa, việc xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa giữa 2 nước là điều hoàn toàn bình thường, chúng ta không cho nhập mới là điều bất thường khi chính doanh nghiệp (DN) trong nước muốn nhập, còn sản phẩm của các nước khác lại đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, kiểm dịch.
Riêng đối với Thái Lan, hầu hết các loại trái cây chúng ta nhập của họ đều là tạm nhập để tái xuất sang các nước khác. Gần như chúng ta không sử dụng trái cây đó tiêu thụ nội địa nên không ảnh hưởng đến mặt hàng trái cây trong nước”.
Cũng theo ông Trung, nhu cầu sử dụng trái cây của các nước ngày càng nhiều, đúng là Việt Nam có tiềm năng và lợi thế sản xuất trái cây với nhiều loại quả ngon cho giá trị cao, nhưng thực tế có một số trái cây chúng ta chưa sản xuất đủ nhu cầu xuất khẩu như quả nhãn, hoặc một số loại quả chúng ta chưa trồng được như bòn bon thì đương nhiên chúng ta nhập để xuất đi. Còn các loại trái cây chúng ta có thế mạnh thì gần như không nhập khẩu.
Các mặt hàng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam sau đó chủ yếu xuất đi Trung Quốc, bởi đây là nước có sức mua rất lớn. Việt Nam cũng đã có 8 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nên các DN thấy Trung Quốc còn có nhu cầu mà trong nước không đáp ứng được thì DN sẽ nhập về để xuất đi.
Đồng tình với lý giải trên, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng: “Trong số các sản phẩm trái cây xuất khẩu của Việt Nam, có tới 70% là xuất sang Trung Quốc vì đây là nước dễ tính. Còn các nước khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, việc xuất khẩu mặt hàng trái cây của Việt Nam còn rất hạn chế. Chúng ta vẫn đang tìm giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn này”.
Mấu chốt là tổ chức sản xuất
Trước câu hỏi giá cả và chất lượng sản phẩm có phải là hai yếu tố mà trái cây của Việt Nam thất thế so với Thái Lan nên các DN thay vì nỗ lực xuất khẩu sản phẩm trong nước lại nhập sản phẩm của Thái Lan về rồi xuất đi, ông Hồng thừa nhận: “Đúng là tình trạng này đang diễn ra. Rõ ràng Thái Lan có nhiều mặt hàng trái cây có lợi thế hơn Việt Nam nên các DN vẫn nhập hàng từ nước này để xuất tiếp đi nước khác. Ví dụ như quả bòn bon, măng cụt của họ đồng đều cả về hình thức, chất lượng. Tuy nhiên đó không phải là lý do duy nhất. Lý do quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập, chỗ nào có nhu cầu và bán được giá cao thì DN sẵn sàng vào cuộc đáp ứng, dù cho phải nhập hàng của nước khác”.
Chính vì tuân theo quy luật thị trường nên ông Trung cho rằng: “Cũng có một số mặt hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan như vải thiều, thanh long… bởi đây là các sản phẩm chủ lực và Việt Nam có nhiều lợi thế hơn, sản phẩm chúng ta chất lượng cao hơn nên Thái Lan nhập về để sử dụng. Hơn nữa chúng ta cũng phải tính đến vấn đề thời vụ, mỗi nước có một khung thời vụ khác nhau cho mỗi loại quả.
Có khi thời điểm này không phải là thời vụ của Thái Lan nên các nước sẽ nhập của Việt Nam và các nước khác. Ngược lại, một số mặt hàng trái cây có thời điểm chúng ta phải nhập của Thái Lan vì nhu cầu lớn mà chúng ta lại chưa vào vụ thu hoạch. DN cũng cần nhập hàng thường xuyên để đảm bảo hợp đồng và đảm bảo cam kết cung cấp đều đặn cho đối tác”.
Là một trong những người đầu tiên đi xúc tiến thương mại cho mặt hàng trái cây xuất ngoại, ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng: “Trước đây tôi đã dự báo mặt hàng trái cây sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới, và quả thật điều đó đang xảy ra. Nước ta có nhiều tiềm năng và thế mạnh về trái cây. Do đó để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong những năm tới, tôi cho rằng chúng ta cần làm tốt khâu tổ chức sản xuất, hình thành các tổ đội hợp tác, liên kết nhiều nhà, sản xuất lớn theo chuỗi khép kín. Có như vậy chi phí sản xuất và giá thành mới giảm, chất lượng tăng, từ đó tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng trái cây. Lúc đó vấn đề mở rộng thị trường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.