Chây ì giảm giá cước vận tải: Bộ Tài chính lên tiếng

Ngày 26/2, Bộ Tài chính phát thông cáo báo chí khẳng định: “Những ý kiến cho rằng cách thức quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra là chưa chuẩn xác”.

Chây ì giảm giá cước vận tải: Bộ Tài chính lên tiếng - 1

Gần 800 đầu xe tuyến cố định hợp đồng khai thác hành khách qua các bến do Cty CP Bến xe Huế quản lý vẫn chưa triển khai thủ tục giảm giá cước theo quy định.

Dẫn giải vấn đề trên, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian qua, có ý kiến cho rằng giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước vận tải vẫn chây ì, hoặc giảm nhỏ giọt, các doanh nghiệp (DN) vận tải lấy đủ các loại lý do cho việc chậm giảm giá cước của mình. Từ đó, khiến dư luận bức xúc cho rằng, với cách quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Bộ Tài chính cho biết, theo các quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô có nghĩa vụ thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị tính toán, rà soát, kê khai giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm, còn có những đơn vị chậm kê khai giảm giá hoặc giảm giá chưa phù hợp.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tính đến hết ngày 19/2, đã có 978 tuyến cố định; 67 tuyến xe buýt và 363 hãng taxi đã giảm giá cước, tỷ lệ giảm giá từ 1%-33,3%. “Như vậy, ý kiến cho rằng cách thức quản lý giá cước vận tải như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra là chưa chuẩn xác”- Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, với những DN chây ì hoặc giảm giá cước chưa tương xứng, cơ quan quản lý đã có những biện pháp điều hành mạnh yêu cầu giảm giá cước. “Đây là biện pháp hành chính, dù không mong muốn nhưng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cơ quan quản lý vẫn cần thiết phải vào cuộc”- Bộ Tài chính cho biết.

Trong thông cáo, Bộ Tài chính cho hay, để “siết” những đơn vị vận tải “không chịu giảm” giá cước, liên Bộ Tài chính-GTVT đang tổng hợp ý kiến, sửa đổi thông tư liên tịch (số 152, năm 2014) hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó, trong dự thảo có nhiều điểm mới, như: Hướng dẫn tiếp nhận văn bản kê khai giá và trả lời bằng thư điện tử, với trường kê khai cho phép thực hiện ngay mức giảm và tiếp tục tính toán, điều chỉnh nếu có… Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị vận tải phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu.

Bên cạnh đó, liên Bộ sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về giá và pháp luật liên quan. 

Thừa Thiên - Huế:

Mới một DN vận tải giảm giá cước

Đến ngày 26/2, trên địa bàn TT- Huế, duy nhất mới có chi nhánh Taxi Mai Linh Huế giảm cước. Dù giá xăng dầu giảm xuống thấp kỷ lục cả tuần nay, đại diện Taxi Mai Linh Huế giải thích, do số lượng taxi của đơn vị nhiều (gần 200 chiếc), lại phải qua nhiều thủ tục về đăng kiểm phương tiện, điều chỉnh đồng hồ, kê khai, niêm yết mức giá mới, nên việc điều chỉnh giá cước không thể triển khai ngay khi giá nhiên liệu giảm. Đối với chi nhánh Taxi Vàng tại Huế, đại diện đơn vị này cho biết, sau khi triển khai các thủ tục niêm yết giá mới và trình phương án lên Sở GTVT tỉnh TT-Huế, doanh nghiệp này sẽ cho điều chỉnh giá cước kể từ sáng 28/2.

Trong khi một số hãng taxi tại Huế rục rịch giảm cước thì các doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định (xe khách) vẫn “án binh bất động”. Khảo sát của phóng viên Tiền Phong tại hai bến xe khách phía bắc và phía nam thành phố Huế thuộc Cty Cổ phần Bến xe Huế, đến ngày 26/2, hơn 70 doanh nghiệp khai thác 50 tuyến cố định hợp đồng qua hai bến, với khoảng 800 đầu phương tiện vẫn chưa triển khai các phương án, thủ tục giảm cước theo quy định.            

Ngọc Văn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN