Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Căng trước giờ G!

Các bên đã thống nhất một số hướng mở để thu gọn điều kiện kinh doanh nhưng còn rất nhiều nội dung phải tranh luận tiếp.

Phải đến chiều tối 24-6, cuộc họp của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật mới kết thúc. Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay có nhiều hy vọng về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vô lý hoặc không rõ ràng, vốn đã kìm hãm doanh nghiệp (DN) và người dân nhiều năm nay.

Kết quả khả quan

Trao đổi nhanh với chúng tôi ngay sau khi cuộc họp kết thúc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết kết quả cuộc họp hôm nay khá khả quan, có thể mở ra một khả năng cắt giảm ĐKKD trong tương lai.

Đại diện Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng xác nhận rằng dù còn nhiều điều phải bàn nhưng cuộc họp mang lại các tín hiệu tích cực.

Được biết cuộc họp hôm nay diễn ra cả ngày dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng với sự tham gia của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ VH-TT&DL, Ngân hàng Nhà nước…

VCCI, đơn vị được giao rà soát lại các ĐKKD được quy định trong 49 dự thảo nghị định của các bộ, ngành, đã chuẩn bị 225 trang tài liệu bao gồm những phân tích, đề nghị về ĐKKD. Những ĐKKD bất hợp lý, định tính, không rõ ràng… đã được trình bày chi tiết và các bộ, ngành tiếp thu. Những quy định nào các bộ, ngành không tiếp thu thì phải giải trình và tranh luận với VCCI.

“Hôm nay, các bộ tiếp thu được khoảng 70% kiến nghị về ĐKKD. Tỉ lệ này ít hơn cuộc họp trước, có khi lên tới 90% kiến nghị” - đại diện của VCCI nói.

Hiện nay, Luật Đầu tư đã quy định danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì thế danh mục này không thể cắt ngay được mà có thể phải xử lý theo hướng vẫn duy trì danh mục này nhưng những ngành nghề nào không cần thiết thì sẽ không quy định ĐKKD, không quy định mới. Đến khi có Luật sửa đổi Luật DN và Luật Đầu tư thì sẽ loại những ngành nghề đó ra khỏi danh mục.

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Căng trước giờ G! - 1

Về kinh doanh gas, điều kiện quy mô vỏ bình gas (100.000 vỏ bình) vẫn tiếp tục có những tranh luận chưa ngã ngũ. Ảnh: HTD

Bỏ hay giữ, vẫn căng thẳng

Trả lời câu hỏi “có những ĐKKD nào đã được các bộ, ngành chấp nhận cắt bỏ”, đại diện VCCI nói: “Nhiều ĐKKD không viết rõ ràng, VCCI kiến nghị hoặc là viết rõ hoặc bỏ. Hầu hết bộ, ngành đều chọn phương án bỏ. Đối với nhiều ngành nghề, chỉ còn một yêu cầu chính. Chẳng hạn ngành kinh doanh cổ vật, chỉ cần điều kiện về nhân lực, còn điều kiện về máy móc, thiết bị thì không cần thiết nữa”.

Về kinh doanh gas, VCCI kiến nghị cắt giảm điều kiện kinh doanh hoặc hạ thấp ĐKKD nhưng Bộ Công Thương đã không đồng ý và vẫn giữ nguyên quy định về quy mô vỏ bình gas (phải có 100.000 vỏ bình) mặc dù đại diện CIEM đã lập luận rằng việc tính quy mô kinh doanh nên để cho DN tự chủ, vì chỉ có họ mới biết kinh doanh thế nào cho phù hợp và có lãi, nếu lỗ thì họ tự chịu trách nhiệm và phá sản.

Hoặc những quy định của Thông tư 20/2011 về những ĐKKD đối với các DN nhập khẩu xe hơi cũng không được chấp thuận, mặc dù quy định này như đã được chỉ ra đã làm cho gần 200 DN nhập khẩu xe hơi phá sản từ năm 2011 đến nay.

Hay như quy định của ngành hàng không hiện đang quy định về phê duyệt kế hoạch kinh doanh. Các DN sẽ phải trình bày kế hoạch phát triển đội bay. Bộ GTVT cho rằng hiện nay sân bay đang thiếu hoặc quy mô nhỏ, nếu các DN phát triển đội bay thì không còn chỗ để đậu.

Tuy nhiên, VCCI và CIEM cho rằng việc phê duyệt kế hoạch kinh doanh là không cần thiết. DN có kế hoạch kinh doanh và phát triển đội bay tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu thị trường. DN sẽ thông báo với Nhà nước và Nhà nước phải tìm cách xây dựng, phát triển sân bay cho phù hợp.

Bộ GTVT cũng đồng ý điều đó nhưng cho rằng kinh phí để xây dựng sân bay là rất lớn và việc bố trí nguồn vốn là rất khó khăn. Ngay cả dự án sân bay Long Thành cũng đang chậm chạp. Cuối cùng, phương án được chốt lại là Bộ GTVT vẫn phê duyệt kế hoạch kinh doanh của các DN hàng không nhưng phải minh bạch và chi tiết các tiêu chí phê duyệt. Thậm chí còn phải tính đến phương án đấu giá chỗ đỗ máy bay để việc phê duyệt trở nên minh bạch.

Tinh thần là cởi trói, tháo gỡ

Trong cuộc họp ngày 23-6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói rằng: “Tinh thần là cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho DN. Nếu có ranh giới không rõ ràng giữa ĐKKD với quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thà “bỏ sót” ĐKKD còn hơn là đưa vào nghị định để trói buộc DN”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long mong muốn phân biệt ĐKKD và quy chuẩn, kỹ thuật. “Rạch ròi được thì tuyệt vời nhưng nếu chưa rạch ròi được thì tôi cho rằng nên thiên về quy chuẩn, kỹ thuật cho tới khi làm rõ, để tạo thuận lợi cho DN” - Bộ trưởng Long nói.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nói rằng ĐKKD chỉ nên đặt ra trong những trường hợp rất đặc biệt mà theo Hiến pháp là có thể ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Có hy vọng cắt giảm được các ĐKKD chung chung, định tính như các ĐKKD quy định nhà xưởng phải có nền cao, khô, thoáng mát, phù hợp…

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế, VCCI

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN