Cận cảnh đến hãi hùng “kỹ nghệ thổi” tôm sú tăng trọng

Theo tìm hiểu của PV, hệ thống bơm tạp chất vào tôm ở cơ sở vừa bị các cơ quan chức năng sờ gáy này chỉ có giá 10 triệu đồng và đang bày bán rất nhiều trên thị trường.

Các tạp chất thường là gelatin, tinh bột rau câu hay chất CMC được các chủ cơ sở lần lượt đưa vào thân, vùng giáp ức, đuôi tôm sú. Đáng chú ý, 1kg tôm sú sau khi bơm tạp chất vào sẽ tăng trọng lượng lên 1,2kg, đồng thời khiến giá mua sẽ cao hơn bởi tôm có kích cỡ lớn hơn. 

Bơm tạp chất vào tôm

Những ngày qua, người dân tỉnh Bạc Liêu bàng hoàng, phẫn nộ trước thông tin hàng loạt con tôm sú bị bơm tạp chất để tăng trọng lượng tại một cơ sở thu gom tôm. Được biết, số tôm này được bơm tạp chất trước khi đưa ra thị trường. Dư luận xôn xao, bởi đây là lần đầu tiên có một clip quay cận cảnh quy trình tiêm tạp chất vào tôm khiến người tiêu dùng lo sợ.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thanh Sơn (trú tại TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) phẫn nộ nói: “Quá kinh hoàng! Thật sự kinh sợ! Không thể ngờ người ta lại bơm tạp chất với số lượng nhiều vào tôm như vậy. Đây là hành vi đầu độc người dân quá tàn nhẫn. Điều đáng nói, số tôm này sẽ được phân phối đi khắp nơi, có mặt trên nhiều bếp ăn tập thể và mâm cơm người dân”.

Cận cảnh đến hãi hùng “kỹ nghệ thổi” tôm sú tăng trọng - 1

Tôm được bơm tạp chất để nặng và to hơn.

Cùng chung nỗi lo sợ, chị Hồ Thị Thùy Dung (26 tuổi) chia sẻ: “Khi thấy clip trên vừa đưa lên mạng, tôi đã xem ngay lập tức. Cảm xúc của tôi lúc đó là bàng hoàng, kinh hãi. Tôi không ngờ chủ cơ sở vì chạy theo lợi nhuận mà tiến hành bơm tạp chất vào con tôm sú “chuyên nghiệp” đến như vậy. Đáng chú ý, cơ sở trong clip có cả một hệ thống quy trình, dây chuyền tiêm tạp chất vào con tôm rất chuyên nghiệp. Đây là lần đầu tiên tôi biết được sự thật này”.

Được biết, cơ sở này đã đầu tư một hệ thống ống bơm chuyên nghiệp với gần 30 ống bơm. Sau khi cơ sở thu mua tôm về, các công nhân sẽ bơm tạp chất vào vùng thân, giáp ức với thân, đuôi tôm sú. Theo nội dung trong clip thì cứ 1kg tôm sú sau khi bơm sẽ tăng trọng lượng lên từ 1,1 – 1,2kg. Đồng thời kích cỡ tôm cũng tăng lên, tư thương bán được giá cao hơn.

 Anh Nguyễn Bá Hải (trú tại huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Cách đây khoảng vài tháng, tôi có đến cơ sở sản xuất tôm của một người bạn. Tại đây, tôi vô cùng kinh hãi khi phát hiện, để tăng kích cỡ tôm, cơ sở này đã dùng kim tiêm bơm vào đuôi con tôm một loại tạp chất sền sệt. Sau khi tiêm vào, con tôm phình lên và trông rất bắt mắt như là tươi, vỏ sạch và sáng... Sau đó, các con tôm này được nhúng vào nước đá rồi mang đi tiêu thụ.

 Quá bất ngờ nên tôi có hỏi bạn thì được biết, hầu như cơ sở chế biến tôm sú nào cũng sử dụng cách làm này. Họ lý giải cho cái sự làm ăn gian dối của mình là chế biến tôm sú phải làm như vậy thì mới có lời”.

Tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư

Để tìm hiểu thông tin rõ hơn về “quy trình bơm tạp chất vào tôm sú” tại Bạc Liêu, PV báo ĐS&PL đã tìm đến cơ sở được phản ánh trong clip nằm tại xã Tân Phong, huyện Giá Rai. Trao đổi với PV, bà Phan Thị Kim Xuyến (chủ cơ sở) xác nhận: “Nội dung trong clip trên đúng là diễn ra tại cơ sở này. Hàng ngày, chúng tôi thu mua 30 – 60kg tôm về bán trong tỉnh Cà Mau. Ở đây, cơ sở nào cũng tiêm loại tạp chất này nên tôi làm theo”.

Khi được hỏi loại tạp chất trên là gì, bà Xuyến cho hay, loại tạp chất này có tên là CMC, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chất CMC sau khi được hòa tan vào trong nước sẽ cho ra một chất đặc sệt. Tiếp đó, bà Xuyến yêu cầu công nhân cho vào máy đánh nhuyễn. Công đoạn cuối cùng là dùng một máy nén áp suất cao đưa tạp chất đến từng đầu dây bơm. Chỉ cần bóp nhẹ, tạp chất sẽ theo đường kim bơm vào tôm.

Cận cảnh đến hãi hùng “kỹ nghệ thổi” tôm sú tăng trọng - 2

Nhiều cơ sở chế biến tôm bị phát hiện bơm tạp chất rồi bán ra thị trường.

Bà Xuyến thú nhận: “Đối với loại tôm đã được bơm tạp chất thì con tôm có đuôi xòe ra, thân phù lên, các đốt trên lưng nở to hẳn. Ngoài tạp chất CMC, cơ sở chúng tôi và các cơ sở chế biến tôm ở đây còn tiến hành bơm loại tạp chất có công dụng tương tự là gelatin, tinh bột rau câu vào tôm”.

Thông tin với PV báo ĐS&PL, ông Dương Hoài Anh, chuyên viên chi cục Quản lý thị trường Nông lâm thủy sản tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Đây là những hình ảnh nằm trong đợt thanh kiểm tra của Chi cục diễn ra mới đây. Theo đó, khi nắm được thông tin cơ sở của bà Xuyến có tiến hành bơm tạp chất vào tôm, Chi cục đã ập vào kiểm tra và phát hiện hành vi gian lận”.

Ông Hoài Anh cho biết thêm, CMC là tên viết tắt của cụm từ Carboxy Methyl Cellulose có nguồn gốc từ Cellulose – một hợp chất hữu cơ rất phổ biến trong tự nhiên và là thành phần chính của hầu hết thành tế bào thực vật (Cell wall). CMC là phụ gia tạo đặc (làm đặc, làm dày), được sử dụng khá phổ biến bởi những chức năng quan trọng của nó như Chất làm đặc, ổn định nhũ tương, chất kết dính...

 “Việc các cơ sở chế biến tôm sử dụng tạp chất này để bơm vào tôm là nhằm giúp cho con tôm bóng đẹp, tăng trọng lượng. Tuy nhiên, thịt con tôm khi chế biến món ăn rất dở và tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư. Nguy hại hơn, loại tạp chất này không hề tan trong nước, do đó khi vào cơ thể người sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Trước hành vi vi phạm của cơ sở này, Chi cục đã ra quyết định xử phạt hành chính và nghiêm cấm hành vi bơm tạp chất này vào tôm để trục lợi”, ông Hoài Anh cho biết. Ông Nguyễn Văn Bảo, chuyên gia thủy sản tại miền Tây phân tích, thời gian gần đây, các cơ sở chế biến tôm đã bỏ cách bơm chất gelatin, tinh bột rau câu vào tôm để tăng trọng lượng mà dùng tạp chất CMC. Bởi, CMC giúp cho con tôm bóng, đẹp và tăng trọng lượng hơn rất nhiều.

Các chủ cơ sở chỉ cần mua một bao CMC loại 25kg có giá khoảng 1,5 triệu đồng thì có thể bơm vào vài tấn tôm. Loại tạp chất này do các thương lái thu mua tôm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi yêu cầu các cơ sở chế biến tôm sử dụng. “Hiện các hệ lụy mà loại tạp chất gây ra vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những đánh giá cụ thể để cảnh báo đến người dân”, ông Bảo chia sẻ thêm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hùng (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN