Cấm xuất khẩu bò Úc sang VN: Đang dừng để điều tra
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016 cả nước đã nhập khẩu 129.471 con bò sống từ Úc. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này đã giảm khoảng 35%.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu bò Úc nhiều nhất, đứng sau Indonesia và Trung Quốc. Năm 2015, tổng đàn bò Úc nhập khẩu về Việt Nam trên 300.000 con.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên nguyên nhân giảm không phải do các lò mổ của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn ESCAS (Hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu, đảm bảo gia súc sống được xử lý theo tiêu chuẩn phúc lợi động vật quốc tế).
Hiện nay nguồn cung ứng bò trong nước đã tốt hơn do doanh nghiệp và người dân đã nuôi bò thịt nhiều hơn trước, Cục Thú y cho hay.
Đại sứ quán Úc cũng cho biết, số lượng gia súc xuất khẩu từ Úc sang Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm nhu cầu từ Việt Nam, giá cả nhà xuất khẩu Úc đưa ra và các yếu tố quốc tế như tỉ giá hối đoái. Đây là vấn đề thương mại giữa nhà nhập khẩu Việt Nam và nhà xuất khẩu Úc.
Liên quan đến việc Úc tạm ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam vì một số lò mổ dùng búa tạ để giết bò, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thực tế là Úc tạm dừng để điều tra chứ không phải cấm xuất khẩu bò vào Việt Nam, khi có bằng chứng xác thực mới có quyết định phạt. Hiện nay chưa có trả lời chính xác từ bộ Nông nghiệp Úc.
Theo ông Chinh, mặc dù việc Úc ngưng xuất khẩu bò sang Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chăn nuôi. Tuy nhiên, nó chưa thể ảnh hưởng ngay vì doanh nghiệp đã nhập khẩu bò về với số lượng lớn, phải khoảng 6 tháng sau khi Úc cấm xuất khẩu thì mới tác động đến giá cả ở thị trường Việt Nam.
Sau cảnh báo về việc ngược đãi động vật từ phía Úc, Bà Amy Guihot, Tham tán phụ trách Nông nghiệp, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội cho biết, lệnh cấm xuất khẩu vẫn có hiệu lực cho đến khi cuộc điều tra được hoàn tất hoặc có đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định chính thức về các thành phần trong chuỗi cung ứng (bao gồm nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, các cơ sở giết mổ và kiểm toán viên độc lập).
Lệnh cấm xuất khẩu ở giai đoạn này chỉ áp dụng cho những cơ sở vi phạm. Những cơ sở đạt chuẩn ESCAS khác ở Việt Nam vẫn có thể tiếp nhận gia súc Úc.
Còn phía Cục Thú y cũng cho hay Cục luôn yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải tuân thủ các quy định do phía Úc đưa ra. Đây là trách nhiệm của các công ty nhập khẩu khi đã ký hợp đồng với các nhà xuất khẩu của Úc. Cục Thú y sẽ tiếp tục phối hợp với phía Úc để tăng cường vấn đề quản lý giết mổ bò Úc theo đúng quy trình.