Cách nào để loại bỏ chất tạo nạc trong thịt lợn?

Mặc dù thông tin về thịt lợn nhiễm chất tạo nạc sabutamol và clenbuterol khiến người tiêu dùng hoang mang nhưng vẫn không loại bỏ được thịt lợn ra khỏi bữa ăn hàng ngày trong gia đình. Một câu hỏi khiến người tiêu dùng băn khoăn là có cách nào để loại bỏ chất tạo nạc ra khỏi thịt lợn khi chế biến hay không?

Cách nào để loại bỏ chất tạo nạc trong thịt lợn? - 1

Thịt lợn là loại thực phẩm chính trong bữa ăn của nhiều gia đình. Ảnh: Chí Cường

Lợn ăn chất tạo nạc, không làm thịt nhanh sẽ tự chết

Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Hướng (thương lái lợn ở Bắc Ninh), chỉ cần mắt thường cũng phân biệt được lợn nào được nuôi bằng chất tạo nạc, lợn nào không. “Lợn nuôi bằng thức ăn thông thường thì khỏe mạnh, thấy người vào chuồng thì kêu và di chuyển ra chỗ khác. Còn lợn nuôi bằng chất tạo nạc thì chỉ nằm im và thở. Nếu như trước đây, nuôi một con lợn 5 tháng mới được 1 tạ thì khi sử dụng chất tạo nạc, chỉ cần chưa đầy 3 tháng lợn đã có thể xuất chuồng”, anh Hướng cho biết.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hormone Clenbuterol là một dạng bột được người dân trộn vào thức ăn cho lợn trước khi xuất chuồng khoảng vài tuần nhằm thúc cân tăng nhanh. Tuy nhiên, hậu quả của thịt lợn có ăn Clenbuterol rất nguy hiểm với sức khỏe con người nếu sử dụng thường xuyên dễ gây nên: Ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, choáng váng. Còn Salbutamol là một hóa chất trong nhóm các chất chủ vận Beta hay chất chủ vận thụ thể hormone tuyến thượng thận. Trong Y tế, Salbutamol có tác dụng lên đường hô hấp, làm giảm và phòng ngừa co thắt phế quản ở bệnh nhân mắc bệnh tắc nghẽn đường thở. Tuy nhiên trong chăn nuôi, để có lợn siêu nạc, người ta phải dùng với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với dùng trong điều trị (sở dĩ nó được phép dùng trong Y khoa là bởi nó dùng với liều lượng rất nhỏ và có sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc).

Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có chất Salbutamol cũng giống như uống thuốc này vào cơ thể. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây các triệu chứng nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp bị ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, người chăn nuôi thường pha Salbutamol vào hỗn hợp thức ăn cho lợn ăn trong khoảng 15 – 20 ngày trước khi xuất bán. “Nếu không bán ngay, lợn sẽ có triệu chứng đi không vững, tự khuỵu chân vì loại thuốc này sẽ làm cho xương giòn, trên con lợn sẽ xuất hiện những vết lở loét, rỉ nước… sau đó thì chết. Nếu lợn được kích nạc bằng Salbutamol, cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Không thể loại bỏ chất tạo nạc ra khỏi thịt lợn

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chất tạo nạc trong thịt lợn nguy hiểm ở chỗ, chúng rất dễ tồn dư trong thịt và thường tạo thành triệu chứng trúng độc cấp tính và mãn tính. Sau một thời gian dài ăn phải thịt lợn có chất tạo nạc, người tiêu dùng sẽ có thể bị rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, run cơ và đặc biệt nguy hiểm với người bị cao huyết áp vì có thể gây choáng váng và tăng huyết áp.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết một điều cực kỳ nguy hiểm trong thịt lợn có nhiễm chất tạo nạc là, rất khó loại bỏ độc chất này ra khỏi thịt trong quá trình chế biến. Đó là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao. “Không có cách gì loại bỏ được chất tạo nạc trong thịt vì nó tồn tại trong sợi protein và trong mô”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Tương tự, PGS.TS Trần Hồng Côn, Giảng viên Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, nếu người tiêu dùng mua phải thịt lợn nghi nhiễm chất tạo nạc gồm các dấu hiệu như: Miếng thịt ít mỡ, thịt nạc dính xuống da, có màu đỏ au… thì nên bỏ, không tiếc tiền mà chế biến vì thịt lợn nhiễm chất tạo nạc sẽ không có cách nào loại bỏ chất độc hại này ra khỏi thực phẩm, kể cả khi đã chế biến ở nhiệt độ cao.

Theo tài liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hormone tăng trưởng Clenbuterol được Bộ NN&PTNT xếp trong danh mục 18 loại chất cấm nghiêm ngặt, không được sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Trên thế giới, hormone siêu tăng trưởng này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Sơn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN