Cà phê Việt Nam sẽ chiếm “ngôi vương” của Brazil?
Liên đoàn Các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) vừa có báo cáo sản lượng xuất khẩu cà phê của Brazil là 2,48 triệu bao trong tháng 2, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan Việt Nam ghi nhận lượng cà phê của Việt Nam thông quan trong tháng 2 đạt 2,44 triệu bao, khoảng cách được rút ngắn chưa từng thấy giữa 2 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới này.
Ngay sau báo cáo của Cecafé, hãng I&M Smith đưa ra nhận định Brazil đang có nguy cơ nhường “ngôi vương” xuất khẩu cà phê cho Việt Nam, ít nhất là tạm thời, bởi xuất khẩu cà phê robusta giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.
Brazil gặp khó
Trong báo cáo, Cecafé cho biết lượng cà phê nhân xanh của Brazil giảm 14,9%, xuống còn khoảng 2,23 triệu bao; robusta (cà phê vối) đã giảm kỷ lục xuống còn 86%, chỉ còn 9.620 bao; Arabica (cà phê chè) giảm 12%, xuống 2,22 triệu bao. Xuất khẩu cà phê chế biến của Brazil cũng giảm 20,7%, xuống 250.370 bao.
Đáng chú ý là nguồn cung robusta của Brazil khan hiếm trầm trọng. Số liệu của Cecafé cho thấy lượng cung robusta giảm còn 9.620 bao trong tháng vừa qua, giảm 57% so với tháng trước và giảm 86% so với một năm trước đó. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ năm 2012.
Ông Nelson Carvalhaes, Chủ tịch Cecafé, cho biết con số 2,48 triệu bao cà phê mà Brazil xuất khẩu là mức thấp nhất trong các tháng 2 của 4 năm qua, giảm 15,5% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu robusta giảm sút.
Nguyên nhân của sự sụt giảm chưa từng thấy này được Cecafé nhận định là do nông dân Brazil găm hàng chờ giá lên bởi giá cà phê trên thị trường thế giới đang ở mức thấp, cùng với đó là sự suy thoái kinh tế khiến người trồng cà phê có tâm lý bất ổn và muốn tích trữ hàng lại. Tiếp đến là do nguồn cung cà phê robusta sụt giảm nghiêm trọng bởi khu vực trồng cà phê robusta lớn nhất thế giới ở Espirito Santo bị hạn hán kéo dài suốt 3 năm gần đây. Một lý do nữa khiến họ không muốn bán ra là bởi khả năng vụ thu hoạch 2017 này sẽ không cho sản lượng cao, theo “chu kỳ” của cây cà phê.
Cà phê Việt đang có cơ hội vươn lên vị trí số 1 thế giới Ảnh: Đình Thi
Tuy nhiên, ông Carvalhaes hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong những tháng tới, khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục và thu hoạch vụ mùa mới vào khoảng tháng 5.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Brazil quyết định cho phép nhập khẩu cà phê robusta của Việt Nam đã tạo ra cơn chấn động cho thị trường cà phê toàn cầu bởi đây là lần đầu tiên quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới phải nhập khẩu nguyên liệu.
Nhưng sau đó ít ngày, tổng thống nước này đã đình chỉ quyết định trên do sự phản đối gay gắt của nông dân trong nước vì cho rằng loại hạt nhập khẩu có thể mang theo mầm bệnh.
Trong khi đó, các nhà sản xuất cà phê hòa tan Brazil đã gây áp lực yêu cầu chính phủ cho nhập khẩu cà phê hạt robusta trong bối cảnh thị trường nội địa khan hiếm trầm trọng. Cho đến nay, nhiều nhà sản xuất cà phê hòa tan không nhận thêm hợp đồng xuất khẩu bởi thiếu nguyên liệu, làm tăng nguy cơ đất nước sẽ bị mất thị trường.
Cơ hội cho Việt Nam
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 2 vừa qua khiến nhiều chuyên gia trong ngành bất ngờ bởi “vượt tất cả mọi dự đoán”, theo như nhận xét của hãng I&M Smith.
Với 146.402 tấn (2,44 triệu bao) mà Việt Nam xuất khẩu trong tháng 2, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước mặc dù Tết cổ truyền rơi vào tháng 2, tức là giao dịch bị gián đoạn trong khoảng 1 tuần.
Agrimoney dẫn lời một lãnh đạo ngành cà phê Việt Nam nói rằng họ đưa ra dự đoán xuất khẩu trong tháng 2 ở mức 2,17 triệu bao, trong khi các thương gia dự báo khoảng 1,83 đến 2,33 triệu bao.
“Xuất khẩu tăng mạnh ngay cả khi Brazil không nhập khẩu cà phê Việt Nam như kế hoạch ban đầu của họ. Nếu Brazil nhập khẩu cà phê Việt Nam như kế hoạch, có lẽ xuất khẩu của Việt Nam tháng 2 đã vượt qua Brazil” - Agrimoney dẫn lời một thương gia cho biết.
Theo nghiên cứu của Mintel - hãng chuyên phân tích, đánh giá thị trường đồ uống toàn cầu - tiêu dùng cà phê thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh và châu Á giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này.
Nghiên cứu mới đây của Mintel cho thấy 3 trong số 5 thị trường bán lẻ cà phê tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Á. Indonesia hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với 19,6%/năm trong 5 năm qua, trong khi tỉ lệ này của Ấn Độ cũng đạt 15,1% và Việt Nam là 14,9%.
Ngành cà phê là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, cả nước có 643.159 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch gần 600.000 ha, tăng 5.500 ha so với năm 2015, trên 500.000 ha cà phê dưới 15 tuổi đang trong thời kỳ kinh doanh. Năng suất cà phê niên vụ 2015-2016 đạt 24,3 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1,459 triệu tấn cà phê nhân, tăng 5.500 tấn so với niên vụ trước, đứng thứ 2 thế giới sau Brazil về sản lượng. Trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch trên 3,36 tỉ USD, tăng 34% khối lượng và tăng 26% giá trị so với năm 2015. Nhiều tín hiệu cho thấy cà phê Việt Nam đang khẳng định được vị thế của mình và đang có cơ hội vươn lên đứng đầu thế giới.