Cà Mau: Tăng thu nhập nhờ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh
Lần đầu tiên tỉnh Cà Mau phát triển thành công mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Mô hình đã khắc phục được những hạn chế trong hình thức nuôi tôm truyền thống.
Trước đây, mô hình nuôi tôm công nghiệp (ao đất) rất phổ biến và phát triển mạnh tại ĐBSCL. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, mô hình này đã bộc lộ những hạn chế như phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, dịch bệnh, rủi ro cao…
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của ông Trần Văn Tổng (xã Hòa Tân, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau).
Trong khi đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã nhanh chóng mang lại sản lượng vượt trội và tỉ lệ thành công lớn. Do đó, mô hình đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra triển vọng cho ngành tôm tỉnh Cà Mau.
Nuôi tôm siêu thâm canh không những giảm tải quá trình xả thải nước nhiễm mặn ra ngoài môi trường mà còn cung cấp nguồn tôm sạch cho thị trường.
Mô hình này đòi hỏi chi phí cao và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
Nhờ nuôi khép kín nên người nuôi dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh.
Để giữ cho nguồn nước luôn trong, sạch, người nuôi đã áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn vào sản xuất. Quá trình này hạn chế được sự ảnh hưởng từ bên ngoài nên môi trường ao nuôi rất ổn định. Đồng thời, công nghệ này cũng làm tăng hiệu quả khi điều chỉnh môi trường ao nuôi.
Mô hình trang bị một máy cho ăn tự động công nghệ cao trên mặt ao, đảm bảo tôm được cho ăn theo nhu cầu.
Mô hình này không những giảm tải sự xả thải nước nhiễm mặn ra ngoài môi trường mà còn cung cấp nguồn tôm sạch cho thị trường.
Sau hơn 100 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng trung bình khoảng 30 con/kg.
Nhờ đầu tư mô hình nuôi trồng hiện đại, sau 3,5 tháng người nuôi có thể thu hoạch với năng suất trên 6 tấn tôm/ao 1200m², loại 30 con/kg mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Với thành công đạt được, mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm trong việc áp dụng khoa học công nghệ mới tại tỉnh Cà Mau.