Cá ít, ngư dân loay hoay chuyện bỏ thuyền
Cá khai thác được ít, giá rẻ mà lại ít người mua khiến nhiều ngư dân xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) rơi vào cảnh bỏ thuyền.
Sáng 5/12, chiếc thuyền khai thác gần bờ của anh Lê Quang Thắng, thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải im lìm trên bãi cát. Thuyền nằm nghỉ, lại thêm một ngày khó đối với gia đình anh. Nhưng anh Thắng và nhiều ngư dân còn mang nỗi lo lớn hơn khi cá vùng biển ven bờ ở đây không hiểu sao lại ít đi một cách bất thường.
Xã Tĩnh Hải có khoảng hơn 30 hộ có tàu thuyền đi biển đánh bắt hải sản. Các thuyền nhỏ thường ra biển buổi chiều thả lưới, sáng hôm sau vào bờ. “Những năm trước, vào dịp cuối năm mỗi chuyến ra biển thả lưới, trung bình ngư dân thu được khoảng hơn 1 triệu tiền bán hải sản, có chuyến thu được từ 2 đến 3 triệu (chưa trừ các chi phí). Nhưng năm nay, chuyến đánh được nhiều hải sản nhất cũng chỉ thu được gần 1 triệu đồng, còn lại chủ yếu là từ 500-700 nghìn/chuyến, nhiều chuyến chỉ thu được 200-300 nghìn”- anh Thắng nói.
Ngư dân khai thác được rất ít hải sản ở vùng biển gần đường ống xả thải của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Hoàng Lam.
Cũng chán nản với việc chăm chỉ ra khơi mà hải sản thu về chẳng được là bao, anh Hoàng Văn Dũng (thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải) cho biết thêm: Vùng đánh bắt truyền thống bao nhiêu năm nay của ngư dân là vùng giáp ranh với ống xả thải của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn). Năm nay, cá ít hẳn đi. Sau đợt cá biển chết hồi tháng 9/2016 (được cơ quan chức năng kết luận là do hiện tượng tảo nở hoa) thì hải sản càng ít đi. Chúng tôi phải liên tục di chuyển đến vùng khác, hoặc đi xa hơn nhưng cũng không thu được hải sản khá hơn là mấy.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Dũng cho biết, cá gần bờ ít dần, mà vốn liếng chẳng có để đầu tư thuyền đánh bắt ngoài xa khiến cho vợ chồng anh không khỏi lo lắng. “Mỗi chuyến đi biển được vài trăm nghìn, chưa trừ chi phí, khiến cho đời sống ngư dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng nghĩ đến chuyện “treo thuyền”, chuyển nghề khác. Nghĩ là thế nhưng sinh ra và lớn lên ở cạnh biển, chỉ có kinh nghiệm vượt gió, vượt sóng, kéo lưới, liệu chúng tôi có thể làm công việc gì khác khi không có kinh nghiệm, không có vốn?”- anh Dũng nói.
Nhiều ngư dân đánh bắt hải sản có thâm niên ở Tĩnh Hải cũng không thể giải thích được vì sao cá lại ít dần đi. Khó khăn chưa dừng lại với ngư dân nơi đây, khi mà hải sản khai thác được ít, giá bán lại rẻ hơn so với trước đây. Mà dù giá rẻ cũng không có nhiều người mua… Đặc biệt là sau sự việc cá biển tự nhiên chết hồi tháng 9/2016 đến nay, nhiều người dân ở khu vực này quay lưng lại với cá biển. Nhiều người hạn chế ăn cá biển vì còn e sợ cá nhiễm độc, cá bị bệnh…
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải cho biết, toàn xã có 69 tàu, thuyền đăng ký, đăng kiểm nhưng chỉ có hơn 30 hộ khai thác thường xuyên. Có hộ thì đã bán tàu, thuyền.
Bà Nga cũng chưa nhận được thông báo về việc trong tháng 10 và 11/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các quyết định cấp phép cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả thải ra vùng biển ven bờ thuộc địa bàn xã Hải Yến.
“Sáng 5/12, tôi vừa điện thoại cho bộ phận giải quyết các vấn đề cộng đồng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đề nghị cung cấp thông tin bằng văn bản về việc xả thải này để chúng tôi thông tin cho nhân dân địa phương biết để cùng giám sát”- bà Nga nói thêm.