Buôn đồng nát ở biệt thự triệu đô: Hiếm khi mua được... bom(!)
Dãy biệt thự triệu đô thành phố đồng nát, bình ga cũ hỏng, vỏ thùng hóa chất... những những quả bom nổ chậm trong khu dân cư. Sợ nhất là cách dùng dao chặt các vật nguy cơ cháy nổ để lấy sắt vụn...
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ nổ xảy ra hôm 19/3 tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội làm 15 người thương vong.
Vụ nổ khiến cư dân các khu đô thị có nhiều ngôi nhà cho thuê kinh doanh phế liệu đồng nát hoảng hốt. Thậm chí cư dân khu đô thị Văn Phú đã làm đơn kêu cứu đề nghị trả lại sự bình yên cho cư dân, giải tán các cơ sở kinh doanh phế liệu, các xưởng sản xuất gây ô nhiễm đang tồn tại trong các khu nhà liền kề, biệt thự không người ở.
Dãy biệt thự triệu đô đã quen với nghề kinh doanh phế liệu, đồng nát do chủ nhân không về ở
Theo khảo sát của PV Infonet tại các khu đô thị mới ven Hà Nội, hầu hết các khu còn biệt thự, liền kê xây thô đều có ít nhất một vài nhà cho thuê kinh doanh thu mua phế liệu.
Dạo qua một vòng khu đô thị Trung Văn (Hà Đông, Hà Nội) 3 cửa hàng thu mua phế liệu nằm choán ngay giữa những dãy biệt thự hàng chục tỷ đồng.
Tại đây, bình ga cũ hỏng, vỏ thùng hóa chất, giấy bìa, đồ nhựa cũ chất cao như núi, lộn xộn, bừa bãi kéo dài từ vỉa hè vào đến trong nhà. Cơ sở tập kết tạm bợ, cưa cắt thủ công, phế liệu chất đống trong điều kiện chật chội…
Nhiều điểm thu mua phế liệu đang giống như “quả bom nổ chậm” trong khu dân cư.
Sự nhếch nhác, chật chội với toàn những vật liệu dễ cháy khiến người qua lại không khỏi ái ngại.
Đó là thực trạng chung của các hộ thu mua phế liệu nằm rải rác trên mọi khu dân cư, ngõ phố Hà Nội.
Hầu hết các hộ kinh doanh đồng nát là những người nghèo từ các tỉnh xa về Hà Nội kiếm sống. Chị chủ cửa hàng thành thật cho biệt, chị thu mua tất cả các loại hàng phế thải từ người dân, ai có hàng phế thải cứ mang đến, thuận mua vừa bán là xong.
Các chủ kinh doanh ngồi trên những đống phế liệu chất cao để phân loại... cảnh nhếch nhác, chật chội trong núi vật liệu dễ cháy khiến người đi đường không khỏi ái ngại.
Đa phần các hộ thu mua phế liệu trên địa bàn thủ đô đều không có đăng ký kinh doanh. Những hộ kinh doanh đồng nát đến từ các tỉnh, đổ lên thủ đô thuê đất làm nơi tập kết phế liệu và sống luôn ở đó.
Theo anh Công, chủ buôn phế liệu ở khu biệt thự Trung Văn, khi nhắc đến việc thu mua những vật liệu phế liệu có thể gây nổ như bom mìn, anh cho hay, thường thì những người thu mua đồng nát như gia đình anh sẽ không để ý đến những loại phế liệu đó. Có chăng cũng là rất hiếm vì có mấy người đào được nó.
Các loại đồng nát được thu mua về đây thường chia làm 4 loại chính: bìa các tông, sắt, nhựa và hỗn tạp. Trong loại hỗn tạp đó chứa không ít các thùng phuy, bình ga và các thùng đựng hóa chất khác.
Anh này cũng cho biết thêm cửa hàng sẵn sàng thu mua tất cả các loại hàng phế thải từ người dân, ai có hàng phế thải cứ mang đến, thuận mua vừa bán là xong.
Khi hỏi đến cách phòng chống cháy nổ, chủ cửa hàng chỉ vào chiếc bình cứu hỏa nhỏ xíu, bụi phủ mờ mịt bảo: “Ở đây chỉ có bình cứu hỏa thôi. Nhà tôi kinh doanh nhỏ nên không trang bị nhiều thiết bị bảo hộ. Với lại, tiền mua thiết bị bảo hộ cũng ngang với tiền lãi cả tháng làm cái nghề này”.
Những hộ dân làm nghề này, họ thường thuê những mảnh đất hoang, hay ở nhờ những căn biệt thự bỏ hoang để kinh doanh. Họ dùng những tấm tôn quây lại làm nhà, tất cả sinh hoạt gói gọn trong một diện tích nhỏ chừng 20m vuông.
Trong khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng có khá nhiều hộ thu mua phế liệu.
Cũng như hộ gia đình anh Công, ở đây họ cũng chỉ dùng bình cứu hỏa mini để trang bị khi xảy ra cháy nổ. Ngoài ra không còn thiết bị bảo hộ nào khác.
Nói về cách phòng chống, chủ cửa hàng kinh doanh phế liệu tại đây thờ ơ cho biết: “Toàn thu mua giấy, sắt vụn như này thì cháy nổ cái gì. Chỉ có những người không biết thì mới gây họa, làm khổ bao người khác”.
Tuy nhiên, cách mà một hộ kinh doanh khẳng định "luôn đặt an toàn lên hàng đầu" cũng khiến người nghe chột dạ.
Chị Nguyễn Thị Chinh, quê ở Xuân Trường, Nam Định làm kinh doanh đồng nát hơn chục năm ở cuối đường Thành Thái, Dịch Vọng, Cầu Giấy chia sẻ: “Gia đình chị tuyệt đối không thu mua những phế liệu nguy hiểm như các khối sắt hình bom mìn, bình ga mới, thùng phuy chưa hoen rỉ. Nếu thu mua về cũng phải để riêng một góc mà có những cách xử lý riêng”.
Theo chị Chinh, đối với những bình ga mini, bình cứu hỏa, thùng phuy, gia đình chị phải ... dùng dao để chặt cho khí ra hết rồi mới dùng đèn khò để cưa cắt rồi mới sắp xếp, chờ ngày vận chuyển. Riêng đối với những thùng phuy, chị chỉ mua những thùng đã cũ, có thể dùng dao chặt, cậy nắp thùng.
Bình cứu hỏa mini hoen rỉ, bám bụi, chẳng biết còn dùng được không là thiết bị phòng cháy duy nhất của một hộ kinh doanh đồng nát
Còn những thùng... không thể chặt dao vào được thì tuyệt đối không mua. (!?)
Lý do, theo người phụ nữ này là “những thùng phuy đó hay những bình ga hỏng vẫn còn hóa chất bên trong, cưa ra nó nổ, nguy hiểm”.
Cũng như nhiều người dân khác, chị trách và thương người gây ra vụ nổ, thương những nạn nhân vô tội. Tuy nhiên, cách xử lý đối với những món phê liệu có nguy cơ cháy nổ mà chị cho là an toàn vẫn khiến người nghe chuyện lo ngại.
Chị Trinh cũng không giấu lo lắng khi các cơ quan chức năng đã bắt đầu có những biện pháp thanh, kiểm tra những vựa phế liệu. Chị rầu rĩ, bây giờ mà công an đến làm luật, thu thuế thì chỉ còn nước quay về bán phở. Có phải hộ nào cũng thu mua những loại phế liệu nguy hiểm, rồi thiếu hiểu biết đâu.
Chị Chinh bày tỏ những lo lắng khi cơ quan công an sắp đi kiểm tra các hộ kinh doanh phế liệu.
Hầu hết các hộ kinh doanh đồng nát là những người nghèo từ cá tỉnh xa về Hà Nội kiếm sống. Hoạt động kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, an toàn hay rủi ro đều phụ thuộc vào may rủi và số phận