Bộ Tài chính tính lại, tiền chi cho môi trường tăng gấp đôi
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi lần 2 về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Nội dung dự thảo không thay đổi nhiều, nhưng thuyết trình về thu - chi tiền thuế BVMT đã khác, như chi cho xây đường sắt trên cao cũng để BVMT.
Không phải thu - chi vì môi trường
Do lần dự thảo trước gặp nhiều phản đối, đặc biệt thuế BVMT nhưng chi cho sự nghiệp BVMT chỉ bằng nửa số thu. Vì vậy, dự thảo tờ trình đưa ra lần này Bộ Tài chính đã giải thích cặn kẽ hơn về phần thu – chi thuế BVMT. Với những thay đổi trong thuyết trình, phần chi ngân sách nhà nước được cho là BVMT đã gấp đôi so với dự thảo trước. Trong khi phần đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu vẫn được bảo lưu.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2012 - 2016, tổng thu thuế bảo BVMT là 105.985 tỷ đồng. Theo Luật Ngân sách nhà nước, khoản thu này không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể. Khoản thu này được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; chi điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện chính sách cải cách tiền lương... “Do đó, kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ BVMT có thể bằng hoặc thấp hơn so với số thu thuế BVMT”, Bộ Tài chính khẳng định.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại Bộ Tài chính đang đẩy gánh nặng ngân sách lên đầu người dân qua đề xuất tăng khung thuế môi trường với xăng dầu. Ảnh: Như Ý.
Trong dự thảo trước đó, Bộ Tài chính công bố chi ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 chỉ 52.142 tỷ đồng (bằng nửa số thu). Còn tại dự thảo lần này, con số chi cho BVMT trong giai đoạn 2012-2016 đã tăng lên 131.857 tỷ đồng (cao hơn số thu), và gấp đôi số chi công bố ở dự thảo trước. Trong đó, chi thường xuyên cho BVMT khoảng 52.420 tỷ đồng; chi 36.711 tỷ đồng cho các hoạt động kinh tế (ứng phó biến đổi khí hậu, chi chương trình tiết kiệm năng lượng, phát triển rừng…); chi 24.246 tỷ đồng cho ngành tài nguyên - môi trường, ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; chi 18.480 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương để phòng chống, khắc phục thiên tai. Ngoài ra, còn một số khoản khi khác Bộ Tài chính cũng tính là góp phần BVMT, như dự án đường sắt trên cao...
Trả lời báo chí trước đó, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Không có quy định nào nói thuế BVMT chỉ chi cho sự nghiệp môi trường. Ngoài ra, đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra mới là tăng khung thuế với xăng dầu, còn việc tăng mức thuế bao nhiêu phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Tài chính cũng dẫn lại các lý do khác cho việc đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu, như: Thuế nhập khẩu với xăng dầu giảm; giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam và tỷ lệ thuế trên giá vẫn thấp hơn các nước trong khu vực; tăng ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, động viên hợp lý đóng góp của xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước…
Đừng đẩy gánh nặng lên đầu dân
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng, những thay đổi số liệu chi tiêu cho hoạt động BVMT của Bộ Tài chính cho thấy tiền hậu bất nhất. Khi dự thảo tờ trình lần trước đưa ra bị dư luận phản ứng, nên nay tìm cách để ngụy trang, chống chế. “Đây là sự cố gắng để thực hiện bằng được mục đích của mình, bằng mọi cách minh chứng, ngụy biện cho đề xuất tăng khung thuế của mình. Nhưng sự bất nhất khiến người dân khó tin tưởng vào những lý giải đó”, ông Long nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, một số dẫn chứng Bộ Tài chính đưa ra cũng thiếu thuyết phục, như chi đầu tư đường sắt trên cao góp phần BVMT, trong khi đây là chi đầu tư hạ tầng cơ sở. “Nếu lý giải như vậy, tất cả mọi khoản chi đầu tư đều vì môi trường hết”, ông Long nói thêm.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cách đối phó dư luận của Bộ Tài chính rất kém tin cậy. Chỉ sau thời gian ngắn bị dư luận phản đối vì tiền chi BVMT thấp hơn số thu thuế BVMT, nhưng vẫn đề xuất tăng khung thuế, Bộ Tài chính đã “làm xiếc” với số liệu để ra số chi cao hơn thu. “Những số liệu này không đáng tin cậy”, ông Doanh nói. Ông dẫn chứng, ngay việc dẫn chi xây dựng đường sắt trên cao cũng liệt kê vì môi trường là không phải. “Đây như một dạng đối phó với dư luận trước việc phản đối tăng khung thuế môi trường với xăng dầu như chỉ chi cho môi trường có 1 nửa. Tất cả đưa ra chỉ để bảo lưu quan điểm thuế môi trường vẫn phải tăng”, ông Doanh nói.
Ông Doanh cũng phản đối mạnh việc tăng thuế BVMT với xăng dầu. Dù không phải tăng ngay, nhưng tăng khung tức là mở ra cơ hội để tăng về sau. Trong khi đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu chỉ là lý do để tăng thu ngân sách trong bối cảnh ngân sách khó khăn, vì thu với xăng dầu luôn dễ nhất, ai cũng phải dùng.
“Sao không cắt giảm chi tiêu thường xuyên, giảm bộ máy, tăng thu từ chống trốn thuế, chuyển giá… Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù đắp bội chi rất không nên, đừng đẩy gánh nặng chi ngân sách lên người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục như vậy doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được, khi đó lấy gì để thu?”, ông Doanh nói thêm.
Theo phương án tăng khung thuế môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính xây dựng, bộ này đề xuất: Với xăng, khung thuế môi trường tăng lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít (thay cho mức 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện hành), nhiên liệu bay từ 3.000 - 6.000 đồng/lít (thay mức 1.000 - 3.000 đồng/lít), dầu diezel từ 1.500 - 4.000 đồng/lít (thay mức 500 - 2.000 đồng/lít); dầu mazut và dầu nhơn từ 900 - 4.000 đồng/lít (thay mức từ 200 - 2.000 đồng/lít). |