Bình nước lọc tẩy bằng axit: Dân văn phòng, phụ huynh hoang mang

Vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình có sử dụng axit sunfuric và soda để tẩy rửa bình khi đã sử dụng, khiến nhiều người thường xuyên uống nước trong bình lọc như dân văn phòng, học sinh hoang mang. Các chuyên gia nói gì về việc này?

Bình nước lọc tẩy bằng axit: Dân văn phòng, phụ huynh hoang mang - 1

Bình nước lọc an toàn phải kiểm định hàng trăm chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh. Ảnh: T.G

Nhiều cơ sở dùng axit tẩy bình

Gần đây, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) trong khi đi tuần tra, kiểm soát địa bàn đã phát hiện một công ty có dấu hiệu làm giả nhãn mác và sử dụng axit sunfuric, soda trong quá trình tẩy rửa bình nước lọc. Qua kiểm tra, cơ sở này sản xuất 3 nhãn hiệu nước tinh khiết nhưng không có giấy cam kết bảo vệ môi trường, không có giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chưa đăng ký nhãn mác và không đủ tiêu chuẩn vệ sinh.

Quy trình sản xuất của công ty là hút nước từ giếng khoan, sau đó lọc và đóng bình, dán tem nhãn rồi đem đi tiêu thụ tại các đại lý. Điều đáng nói, cơ sở còn sử dụng axit sunfuric và soda để ngâm tẩy bình. Người thực hiện quy trình tẩy rửa này là một công nhân không qua đào tạo, sử dụng hóa chất tẩy rửa theo kinh nghiệm.

Trước đó cũng đã có nhiều cơ sở sản xuất nước đóng bình không đảm bảo vệ sinh, sử dụng axit tẩy rửa bình bị bắt giữ. Thông tin này đã gây nhiều lo ngại cho người tiêu dùng liệu uống nước ở những bình được tẩy bằng axit sẽ bị độc hại đến đâu?

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Lê Hùng - Khoa Hóa học, chuyên ngành Hóa sinh môi trường (Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc tẩy rửa những bình nước cũ đã sử dụng là rất cần thiết để loại bỏ những vi khuẩn gây hại. Người dân không nên quá lo lắng về vấn đề tẩy bình nước lọc bằng axit sunfuric và soda. Đây là hai hóa chất bình thường, tương đối an toàn. Chúng chỉ độc hại khi tiếp xúc trực tiếp với cơ thể với nồng độ cao, theo cơ chế ăn mòn của axit dạng dung dịch đặc có thể gây kích ứng, ăn mòn da.

Hai hóa chất sunfuric và soda thường được dùng tách riêng chứ không dùng chung vì trung hòa thành muối không có tác dụng gì. Soda có thể tẩy những màng bám còn nếu có vết ố vàng, ố đen do sắt hay măng gan… bám vào thì không sạch phải dùng axit tẩy. Khi sử dụng để tẩy rửa bình nhiều khả năng họ sẽ dùng với nồng độ thấp, khả năng gây độc cho cơ thể là không cao.

Việc tẩy rửa bình bằng cách này sẽ đảm bảo nếu sau khi dùng axit, soda được tráng lại nhiều lần bằng nước sạch. Tuy nhiên, nếu nguồn nước đóng vào bình không đảm bảo sẽ gây hại sức khỏe. Các loại nước ăn, uống bơm từ giếng khoan lên không được đưa qua hệ thống xử lý đảm bảo có thể vẫn còn kim loại nặng, vi sinh vật, thậm chí là có cả những sinh vật mủ xanh (loại vi khuẩn gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người như viêm màng tim, viêm đường hô hấp...). Vi khuẩn E. Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột… Các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân khi sử dụng lâu ngày và tích lũy trong cơ thể có khả năng gây nhiều bệnh nguy hiểm, ung thư.

Nước muốn an toàn phải kiểm định hàng trăm chỉ tiêu

PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho rằng, theo quy định, nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình thì phải kiểm định hàng trăm chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh. Các chỉ tiêu lý, hóa thông thường như: Độ dẫn, màu, đục, kiềm Mg, Ca... chỉ tiêu kim loại nặng: Al, Cu, Zn, Cr… hay chỉ tiêu vi sinh như: E.Coli, Clostridium perfringens… nếu vượt mức cho phép rất nguy hại đến sức khỏe người dùng. Sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc thì phải đảm bảo các chỉ tiêu trước khi chiết vào bình. Tuy nhiên, phần nhiều các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không thực hiện đầy đủ quy định này mà chỉ phân tích được vài chỉ tiêu.

Nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai có quy mô nhỏ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh... Trong quá trình sản xuất các cặn đồng, sắt do máy móc thiết bị thô sơ, cũ kỹ để lại trong nước là điều khó tránh khỏi. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nước uống, sức khỏe người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Phan Thị Sửu - Trung tâm kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, quy trình sản xuất nước đóng bình đảm bảo chất lượng phải qua các bước: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật. Hệ thống đóng chai phải là một môi trường rất vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật.

Để lựa chọn các sản phẩm nước đóng bình hợp vệ sinh hiện nay, nhiều người thường dựa vào tiêu chí giá thành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không thể căn cứ vào giá thành đắt hay rẻ để đánh giá chất lượng nước đóng chai, đóng bình. Người tiêu dùng nên sử dụng các thương hiệu nước đóng chai, đóng bình đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đúng theo tiêu chuẩn yêu cầu của Bộ Y tế. Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất là nên sử dụng nước máy để lọc sau đó đun sôi lên để uống. Tránh sử dụng những sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc những sản phẩm nhìn bằng mắt thường đã thấy kém vệ sinh...

Dùng bình lọc nước cần thay quả lọc thường xuyên

Hiện nay, vì nguồn nước nhiều nơi ô nhiễm nên tâm lý chung của người dân là mua bình lọc để sử dụng, uống nước trực tiếp tại bình lọc. Về cơ bản, hầu hết các loại máy lọc nước đều có một lớp than hoạt tính. Tuy nhiên, than hoạt tính cũng chỉ có tác dụng tốt trong một thời gian nhất định. Sau khoảng thời gian này, các loại tạp chất sẽ bám dày đặc quanh lớp than sẽ thành ổ chứa các loại vi trùng, vi khuẩn. Nếu người tiêu dùng không thay kịp thời thì lớp than này sẽ làm nước sau khi lọc trở nên độc hơn. Bởi vậy, để đảm bảo mọi người cần lưu ý cứ định kỳ một thời gian sử dụng tùy theo mức sử dụng nhiều hay ít phải vệ sinh màng lọc và thay than hoạt tính.

PGS.TS Trịnh Lễ Hùng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN