Biết bẩn mà vẫn phải ăn!

Nhận định này được đưa ra tại hội thảo công bố kết quả điều tra người tiêu dùng Việt Nam 2016 và tham vấn cho bộ tiêu chuẩn tự nguyện về chất lượng thực phẩm, được tổ chức sáng 23-2.

Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng chất lượng hàng hóa là chìa khóa để người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, có không ít doanh nghiệp không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm ổn định và nhất quán như người tiêu dùng của mình mong muốn.

Biết bẩn mà vẫn phải ăn! - 1

Bà Vũ Thị Kim Hạnh: "Không ít doanh nghiệp không thể ổn định được chất lượng sản phẩm". Ảnh: HUYỀN TRANG

Đồng tình, chuyên gia thị trường Trương Cung Nghĩa cho rằng: “Trong nhiều trường hợp người tiêu dùng dù biết là hàng không đảm bảo nhưng vẫn ăn bởi họ không thể tìm ra được sản phẩm đảm bảo chất lượng thay thế”.

Ngoài vấn đề chưa có nhiều sản phẩm sạch thay thế trên thị trường khiến người tiêu dùng thiếu hoặc không có sự lựa chọn thực phẩm an toàn, ông Nghĩa còn chỉ ra: “Người tiêu dùng vẫn bị chi phối bởi quảng cáo. Dù là hàng tốt, xuất hiện ở những vị trí ưu tiên nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thể thay đổi thói quen mua hàng, đặc biệt là những khách hàng trung thành”.

Về cuộc bầu chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Nghĩa cho hay năm 2017 số doanh nghiệp đạt đủ tỉ lệ bầu chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao là rất nhiều nhưng doanh nghiệp Việt hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

“Ngay tại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt hiện đang đứng trước thách thức lớn về sức ép và lỗ hổng trong hệ thống bán hàng. Doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối sâu rộng chiếm được ưu thế trên thị trường và ngược lại” -ông Nghĩa nói.

Đáng chú ý, theo ông Nghĩa, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng không nhãn mác… ngày càng phổ biến trên thị trường. Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị mất thị trường, dẫn tới phá sản.

Với kinh nghiệm khảo sát thị trường và tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, ông Nghĩa kể hiện tại trên thị trường đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ mua sản phẩm Trung Quốc… rồi dán nhãn và bán ra thị trường. “Tình trạng này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang và lo lắng” - ông Nghĩa nói.

Thực trạng này, theo các đại biểu tham dự hội thảo, khiến người tiêu dùng có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, đặc biệt ở một số sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm, may mặc, nông sản tươi…

“Hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này để lấp chỗ trống. Họ gia tăng quyết liệt mức tiếp cận thị trường. Tổ chức loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý thích hàng ngoại của người tiêu dùng Việt” - một chuyên gia nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Trang (Pháp luật TPHCM)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN