Biến nơi 'khỉ ho cò gáy' thành trại dứa bạc tỷ quy mô bậc nhất ĐBSCL
Chỉ với 2 bàn tay trắng, không một cục đất chọi chim, nhờ sự cần cù không ngại gian khó, người cựu chiến binh Dương Văn Thanh (SN 1947, ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), đã mạnh dạn khai phá vùng đất “khỉ ho cò gáy”. Để từ đó ông đã từng bước gây dựng nên một trang trại trồng khóm (dứa) Cầu Đúc quy mô bậc nhất ĐBSCL, thu lãi mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Ông Thanh cũng vừa vinh dự được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”.
Đưa khóm đến vùng đất chết
Dù đã bước sang tuổi 70, nhưng nhìn ông Thanh vẫn phong trần và trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi của mình. Vốn quê gốc ở Gò Quao (Kiên Giang), sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng người cựu chiến binh Dương Văn Thanh được Nhà nước cấp cho khoảng 1,2ha đất ở xã Tân Tiến để canh tác.
Những trái khóm Cầu Đúc tại trang trại của ông Thanh. Ảnh: Đ.K
Nhớ lại một thời đầy gian khó, ông Thanh kể: “Hơn 30 năm về trước, vùng này toàn là rừng rậm, hoang vu; rắn rết, muỗi mòng nhiều vô số kể, đất đai thì bạc ngàn. Vùng đất nơi đây đặc thù bị nhiễm phèn nặng nên chẳng ai dám vào ở để khai hoang. Lúc bấy giờ, biết rằng hiểm nguy luôn rình rập, nhưng ngặt nỗi gia đình tôi nghèo xác nghèo xơ, không vào đây thì đi đâu bây giờ, có đất để sản xuất là mừng lắm rồi. Năm 1976, sau khi đã có đất trong tay, tôi cùng với mấy người con quần quật ngày đêm khai phá, cày cuốc, phát hoang bụi rậm suốt ròng mấy tháng trời”.
Vốn dĩ là người có tính chịu khó, chịu cực, thậm chí nhiều người còn cho ông là “lì đòn”. Trong thời gian chờ khóm sinh trưởng (từ lúc mới trồng đến cho trái thu hoạch mất ít nhất phải là 20 tháng), để có tiền mua phân bón, ông Thanh tiếp tục đi làm thuê, ở đợ cho các bạn hàng người Hoa, lái ghe khóm ngược xuôi rày đây mai đó để chở các thương lái đi bỏ mối khóm cho bạn hàng ở các tỉnh miền Tây và TP.HCM.
Sau khi có được một ít vốn liếng kiến thức, ông Thanh về áp dụng lên rẫy khóm nhà mình. Nhờ đó, vào năm 1980, ông đã thành công trong việc xử lý cho khóm ra hoa đồng loạt.
Lập công ty chuyên sản xuất khóm
Trưa nắng, chở chúng tôi trên chiếc xe Chaly 3 bánh cà tàng dành cho người khuyết tật ra tham quan trang trại khóm rộng bạt ngàn, ông Thanh bộc bạch: “Để gây dựng nên một trang trại khóm như ngày hôm nay cha con tôi phải tốn biết bao nhiêu là công sức, mồ hôi, nước mắt và kể cả máu”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng). Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn, ngọt. Đặc biệt trái có thể để lâu từ 7 -10 ngày mà không bị hư. Khóm xuất hiện ở Hậu Giang từ những năm 1930, khóm đặc biệt có phẩm chất ngon ở khu vực Cầu Đúc thuộc xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, TP.Vị Thanh”. |
Năm 2003, ông đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân lấy tên là Dương Thanh, chuyên sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản chính là khóm. Với số vốn điều lệ lên đến 1,5 tỷ đồng.
Sau khi đứng ra thành lập doanh nghiệp, năm 2006 ông Thanh “làm liều” ký hợp đồng thuê hẳn 100ha đất hoang để mở trang trại khóm, việc làm này khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục. “Đặc thù đất vùng này là vùng đất phèn, ở đây không trồng khóm ra thì chẳng trồng được cây gì cả. Để có được 100ha khóm cho trái sum suê như ngày hôm nay, tôi phải thuê xe cuốc làm cật lực nhiều tháng trời để đào mương, lên liếp cải tạo lại toàn bộ khu vực rậm rạp này” – ông Thanh chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, ông Thanh còn bỏ ra số vốn gần 3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, đào kênh rãnh, xây toàn bộ đê bao khép kín, tráng lộ nhựa bê tông kiên cố, thẳng tấp bao trọn cả một trang trạng mênh mông để thuận tiện trong việc vận chuyển máy móc nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như vận chuyển khóm sau khi thu hoạch.
Bí quyết cho khóm ra hoa đồng loạt
Chia sẻ về kỹ thuật canh tác, theo ông Thanh trước tiên cần phải có hệ thống mương rộng 4m và mặt liếp rộng 5m. Sau đó tiến hành xóc đất làm cho bằng phẳng rồi tiến hành trồng khóm. Về mật độ trồng từ 20.000 – 25.000 chồi/ha, tùy loại chồi đem trồng (lựa các chồi đồng đều kích cỡ trọng lượng trồng trên từng liếp), với khoảng cách trồng 50x50cm. Thường được trồng vào tháng 5 – 6 dương lịch nhằm tận dụng lượng nước mưa không cần tưới khi trồng giúp tiết kiệm chi phí.
Cũng theo ông Thanh, khi khóm đúng 15 tháng tuổi thì tiến hành xử lý ra hoa (chỉ có thể xử lý từ 1.000 – 2.000 cây/ha), khi xử lý ra hoa được 1 tháng tiếp tục bón nhiều loại phân có kali giúp trái được ngọt hơn. Xử lý ra hoa khoảng 4 tháng 10 ngày thì thu hoạch số trái đợt 1. Hàng năm trung bình năng suất đạt từ 20 – 25 tấn/ha.
Được biết, hàng năm doanh nghiệp của ông thu mua vận chuyển bỏ mối cho các nhà máy chế biến ở ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh hàng chục nghìn tấn, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng hàng chục tấn. Với doanh thu đạt khoảng hàng chục tỷ đồng/năm.
“Để cây khóm kéo dài tuổi thọ cho năng suất bền bỉ, thì cần có hệ thống tưới nước hoàn toàn chủ động, khâu chăm sóc phải thật kỹ, nhất là khâu làm cỏ, bón phân đúng vào nhu cầu từng thời điểm sinh trưởng của cây khóm. Hướng tới, doanh nghiệp sẽ thực hiện sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm giúp nâng cao vị thế của thương hiệu khóm Cầu Đúc khi tiêu thụ ra các thị trường nước ngoài” - ông Thanh hồ hởi nói.
Được biết, trang trại khóm của ông hiện nay được xác định là mô hình trồng khóm chuẩn, xanh, sạch, đẹp bậc nhất miền Tây. Nơi đây, còn là điểm đến tham quan, nghiên cứu, học hỏi của nhiều chuyên gia công tác trong ngành nông nghiệp, của nhiều bà con nhà vườn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.