Bí thư Đinh La Thăng: Đừng nói chủ trương nữa

Khoa học công nghệ vẫn chưa tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế chung của TP.HCM.

Bí thư Đinh La Thăng: Đừng nói chủ trương nữa - 1

Bí thư Đinh La Thăng thăm nhà máy của Công ty Sankyo tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

“Tôi vẫn chưa thấy sự thể hiện quyết tâm, đột phá, chưa đưa ra một mục tiêu cụ thể”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu như trên vào hôm qua 3-3, sau khi nghe ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), báo cáo về tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) tại khu công nghệ này trong năm 2015.

Bí thư Thành ủy cho rằng hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên không có khu công nghệ cao nào nhưng khi Samsung đầu tư vào thì hiện nay Bắc Ninh đã xuất khẩu hơn 20 tỉ USD và Thái Nguyên cũng đạt 5-6 tỉ USD.

“Trong khi hơn 13 năm hình thành SHTP nhưng giá trị xuất khẩu mới chỉ đạt hơn 4 tỉ USD, chưa đến 20% tổng giá trị xuất khẩu của TP.HCM là quá thấp” - ông Thăng nhận xét.

Không phải khu công nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp

Giải thích về con số xuất khẩu khiêm tốn trên, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho rằng Bắc Ninh và Thái Nguyên có nhiều chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài nên thu hút được Samsung đầu tư lớn. Năm 2013, Tập đoàn Samsung cũng đã làm việc với SHTP để tìm hiểu đầu tư nhưng không đồng ý ngay vì khu công nghệ cao khác với khu công nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp.

SHTP đặt điều kiện Samsung đầu tư vào phải có phòng R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm), tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu trong sản phẩm phải đạt 35%. Đồng thời Samsung phải hỗ trợ cho chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ trong nước.

“Trong báo cáo của SHTP cũng đã đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cho việc hình thành cũng như hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ (KHCN). Xem xét, ủng hộ SHTP chủ trì chương trình hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao. Mặt khác, kiến nghị TP chỉ đạo sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối SHTP với Công viên KHCN TP.HCM và ủng hộ việc thực hiện cảng đường thủy nội địa trong khu” - ông Quốc thông tin.

Xây tường rào, nhà xưởng… hết 80% vốn

Trong khi đó, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng thừa nhận KHCN vẫn chưa tạo được động lực cho sự phát triển kinh tế chung của TP. Ông thông tin hiện nay tổng ngân sách đầu tư cho KHCN chỉ hơn 2%, trong đó có đến 80% đầu tư hạ tầng làm hàng rào, nhà xưởng… Chỉ có khoảng 7% đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm KHCN.

“Lãnh đạo TP cần sớm có những chủ trương, nâng mức đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, vườn ươm các sản phẩm khoa học lên 50%-60% tổng ngân sách chi cho KHCN” - ông Dũng đề nghị.

Phải cụ thể, đừng trừu tượng

Sau khi nghe ý kiến của ông Quốc và ông Dũng, Bí thư Đinh La Thăng lưu ý là người đứng đầu ngành khoa học tại TP cần phải chủ động đề xuất ngân sách chi bao nhiêu trong tổng phí; về các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, vườn ươm, thương mại hóa, phát triển hạ tầng… Không thể nói chung chung vậy được.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Các anh cứ nói chủ trương, hỗ trợ, đề xuất, đang trình. Vấn đề là các anh phải nói cụ thể bao giờ xong, đừng nói chủ trương nữa. Trong báo cáo tôi vẫn chưa thấy sự thể hiện quyết tâm, đột phá, chưa đưa ra một mục tiêu cụ thể. Các đề xuất, kiến nghị đang nằm ở đâu, trình chưa, bao giờ xong?”.

Về thông tin đến 80% ngân sách dành đầu tư cho hạ tầng, Bí thư Thành ủy nhìn nhận: “Như vậy thì lấy đâu tiền nữa để đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Người đầu ngành phải mạnh dạn đề xuất thay đổi việc này”.

Phải cụ thể từng mục tiêu

“Với mục tiêu xây dựng TP.HCM thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học lớn, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì KHCN phải phát triển, là động lực thúc đẩy cho cả hệ thống phát triển. KHCN phải tạo được sức hút và sự lan tỏa không chỉ trong TP mà còn ở khu vực và cả nước. Để là đầu tàu thì mục tiêu phải cụ thể chứ không mang tính trừu tượng. Phải nói cụ thể từng mục tiêu” - Bí thư Thành ủy nói.

Theo Bí thư Thành ủy, các nghiên cứu công nghệ cao phải có sự gắn kết với thực tiễn đời sống, ứng dụng, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học vào cuộc sống. Ông dẫn chứng về những sáng kiến của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khi chế tạo ra giường bệnh nâng đỡ tự động, máy chuyển tự động bệnh nhân từ giường bệnh ra khu vực tắm rửa, nhà vệ sinh.

“Đồng thời, sản phẩm công nghệ cao phải tập trung vào những vấn đề lớn nhất, bức xúc nhất của TP” - ông Thăng kết luận.

Lương lao động công nghệ cao thấp 

Trước thông tin lương trung bình của công nhân ở Công ty Sankyo 3,7 triệu đồng/tháng, Bí thư Thành ủy cho rằng lao động công nghệ cao mà lương vậy là quá thấp. Do vậy ông đề nghị các công ty này quan tâm nhiều hơn đến đời sống công nhân, có những chính sách nâng cao thu nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN