“Bát nháo” sản phẩm VietGAP
Dư luận hoang mang đặt câu hỏi: Sản phẩm theo chứng nhận “chuẩn” vẫn không an toàn?
Sản phẩm VietGAP đang bị “đánh đồng” với sản phẩm thông thường. Ảnh: Ngô Vinh
Thời gian gần đây, liên tiếp hàng loạt những vụ việc vi phạm về chứng nhận tiêu chuẩn trong chăn nuôi (VietGAP) khiến dư luận hoang mang đặt câu hỏi: Sản phẩm theo chứng nhận “chuẩn” vẫn không an toàn?
Không thể đổ lỗi cho người chăn nuôi
Mới đây, cơ quan chức năng tại TP HCM đã phát hiện gần trăm con lợn đạt chứng nhận VietGAP song khi mang đi giết mổ lại phát hiện chất tạo nạc sabutalmol. Trao đổi về sự việc này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, ngay cả khi sản phẩm chăn nuôi theo quy trình của VietGAP cũng cần xem xét lại quy trình từ người nuôi đến khâu phân phối sản phẩm trên thị trường, giám sát quá trình từ giết mổ đến tiêu thụ.
”Quy trình VietGAP là chuỗi dài. Do đó không thể đổ lỗi cho người nuôi, cần nhắc đến vai trò giám sát cơ quan quản lý địa phương, thực hiện việc kiểm tra cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến thức ăn, cơ sở thương mại… để đảm bảo sản phẩm VietGAPđạt an toàn.”, ông Vân nhấn mạnh. Ngoài ra, vị Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nêu vấn đề: “Nếu ở đâu đó làm không tốt, cần kiểm tra lại quá trình, bởi người chăn nuôi không thể tự mang sản phẩm đi tiêu thụ. Theo thống kê, việc vi phạm chủ yếu ở lò giết mổ, chiếm gần 20%, người giết mổ có trục lợi ở đây".
Thực tế cho thấy, khâu quản lý các cơ sở cấp chứng nhận cũng đang có vấn đề, thậm chí còn là nhân tố tiếp tay cho sai phạm. Cụ thể, mới đây trong kết luận của đoàn kiểm tra Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về việc, nhiều cá nhân trực thuộc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản đã làm giả hồ sơ hợp quy của hơn 800 sản phẩm thủy sản. Trong vụ việc này, việc hợp quy các sản phẩm cũng có thể mua bán dễ dàng, chỉ với mức 5 triệu đồng/sản phẩm. Đáng nói, hành vi này kéo dài hơn 2 năm, số sản phẩm thủy sản trên cũng đã được lưu thông trên thị trường, song không bị cơ quan chức năng nào phát hiện!?
Đây không phải lần đầu tiên chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm được mua bán sai phép, trước đó báo chí từng phanh phui sự việc Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert (1 trong 22 đơn vị được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT chỉ định cấp chứng chỉ VietGAP) ngang nhiên rao bán 90 triệu đồng/chứng chỉ.
Trước tình trạng trên, ông Hoàng Thanh Vân nhận định: “Với chứng chỉ VietGAP, người nuôi có được cái thẻ được coi như giấy thông hành công nhận sản phẩm chăn nuôi là tốt. Tuy nhiên, việc giám sát hoạt động chứng nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề.”
Bất cập khâu quản lý
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KHCN cho biết: Theo quy định tại Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, tổ chức chứng nhận phải đăng ký lĩnh vực hoạt động tại Bộ KH&CN. Tuy nhiên, việc quản lý, hoạt động của các tổ chức này lại thuộc quyền của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định phục vụ quản lý Nhà nước.
“Trong vụ việc của Vinacert, đơn vị đã được cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT chỉ định và giám sát hoạt động chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty chưa hề đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận cụ thể theo tiêu chuẩn VietGAP tại Tổng cục”, vị đại diện trên cho biết.
Mặc dù được ban hành từ năm 2012 nhưng đến nay, cả nước mới có khoảng 100 trang trại được chứng nhận VietGAP. Hơn nữa, giá của sản phẩm VietGAP chưa có sự phân biệt rạch ròi theo tiêu chuẩn chăn nuôi theo chuỗi. Do không truy xuất được nguồn gốc của chăn nuôi VietGAP nên không có sự khác biệt so với sản phẩm chăn nuôi thường, nhìn chung tình trạng như vậy sẽ làm thui chột người chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP”. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân |
Bên cạnh khâu quản lý, theo ông Hoàng Thanh Vân, khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm VietGAP cũng đang gặp khó khăn bởi chưa xây dựng quy trình chăn nuôi theo chuỗi. “Hiện nay các cửa hàng tiện ích, thương mại, các chợ nông thôn, thành thị chưa có nơi chuyên bán hàng VietGAP nên người chăn nuôi rất lúng túng. Chăn nuôi VietGAP phải đảm bảo nguyên tắc theo chuỗi nhưng chuỗi hiện nay bị cách đoạn. Người chăn nuôi chỉ biết chăn nuôi, thậm chí có chứng nhận sản phẩm rất tốt, nhưng một tổ chức, cá nhân trung gian làm thương lái thu gom lại đánh đồng sản phẩm tốt với sản phẩm thường. Điều đó làm thui chột quá trình thực hiện của người chăn nuôi”, ông Vân phân tích.
“Từ sản xuất đến tiêu thụ đều kiểm soát lẫn nhau sẽ kích thích sản phẩm phát triển được, ngoài ra là yếu tố gắn kết với thị trường ở phương diện nhu cầu, chất lượng mẫu mã, thị hiếu. Chỉ khi đáp ứng các yêu cầu trên, sản phẩm VietGAP mới an toàn, đạt hiệu quả”, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến nghị.